Dự thảo Luật Di sản văn hóa sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, đã cơ bản đáp ứng yêu cầu, đạt được sự thống nhất cao.
Dự thảo Luật Di sản văn hóa sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, đã cơ bản đáp ứng yêu cầu, đạt được sự thống nhất cao giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo.
Phát biểu ý kiến tại Phiên họp chuyên đề pháp luật mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Theo đó, yêu cầu Bộ VH,TT&DL, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp hoàn thiện thêm để trình hồ sơ Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tại phiên họp đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 8.
Theo ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, dự thảo luật sau khi chỉnh lý đã thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm có 9 chương với 101 điều, giảm 1 điều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 7.
Về tên gọi, có ý kiến đề nghị sửa tên dự thảo luật thành Luật Di sản, Luật Di sản văn hóa và danh lam thắng cảnh. Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, “Di sản” là khái niệm rộng, bao gồm nhiều lĩnh vực, trong đó di sản văn hóa chỉ là một lĩnh vực.
Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được xây dựng để thay thế Luật Di sản văn hóa năm 2001, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009. Vì vậy, phạm vi điều chỉnh của Luật Di sản văn hóa chỉ quy định về “di sản văn hóa”. Khái niệm “danh lam thắng cảnh” cũng là một trong ba loại hình thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Vì vậy, cần giữ tên gọi như dự thảo luật.
Góp ý vào các nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, đối với chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, dự thảo luật đã chỉnh lý, bổ sung 10 chính sách lớn của Nhà nước về di sản văn hóa tại Điều 7. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát, cần quy định rõ chính sách tại Luật Di sản văn hóa.