Nguyên nhân Bạc Liêu thiếu nhiều giáo viên, theo bà Lâm Thị Sang, Giám đốc Sở GD-KH&CN, quy mô phát triển giáo dục hằng năm của tỉnh trong những năm gần đây đều tăng, nhất là với cấp THCS và THPT. Do đó, nhu cầu giáo viên giảng dạy cũng tăng theo, trong khi biên chế được giao còn thấp so với định mức quy định. Đặc biệt, nhiều năm liền biên chế sự nghiệp giáo dục chưa được xem xét, giải quyết bổ sung theo quy mô phát triển. Trong khi đó, hằng năm lại bị cắt giảm nên biên chế được giao chưa đảm bảo cho yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, nhất là giáo viên đáp ứng giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thiếu biên chế có nhiều nguyên nhân, nhưng ông Trần Quang Bảo, Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang, cho biết, chủ yếu do khi thẩm định biên chế, Trung ương không giao đủ số lượng theo kế hoạch của tỉnh mà căn cứ chuẩn học sinh/lớp và quy mô cấp học để quyết định số lượng. Thực tế do sự biến động học sinh ở từng điểm trường khác nhau nên chuẩn học sinh/lớp và quy mô cấp học không thể thực hiện đúng quy định. Kế đến là tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ giữa các trường do sự biến động học sinh và quy mô trường, lớp hàng năm.
Việc xã hội hóa giáo dục nhiều năm qua không đạt hiệu quả… Đặc biệt, việc bắt buộc phải giảm biên chế theo tỷ lệ % cơ học hàng năm gây khó khăn cho ngành Giáo dục. Do đó, tỉnh kiến nghị Bộ, ngành Trung ương khi thẩm định biên chế sự nghiệp Giáo dục, cần chấp nhận thực tế theo quy mô trường lớp hiện tại của từng tỉnh, khu vực. Đồng thời không quy định giảm biên chế tỷ lệ % cơ học như thời gian qua.
Thầy trò Trường THPT Ban Mai, Hà Đông, Hà Nội. |
Năm học 2022 - 2023 tỉnh Cà Mau thiếu giáo viên các môn học chương trình mới. Cụ thể, ở cấp tiểu học còn thiếu giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học; cấp THPT thiếu giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Ngoại ngữ lớp 10; môn Thể dục, Giáo dục Quốc phòng - An ninh…
Theo ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, vấn đề đầu tiên là phải khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là những môn còn thiếu trầm trọng ở cấp tiểu học, như Ngoại ngữ, Mỹ thuật, Tin học, Âm nhạc… Ở cấp trung học như Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Quốc phòng - An ninh và các môn tổ hợp đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngay cấp học mầm non cũng rất thiếu. Từng địa phương cần có chính sách đặt hàng, gắn liền với rà soát nhu cầu trước mắt và cho năm, mười năm tới. Chính sách đặt hàng nếu chúng ta làm tốt chắc chắn sẽ thu hút được học sinh giỏi theo nghề sư phạm…
Ông Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết, biên chế giáo viên phải xin ý kiến từ cấp Trung ương. Tuy nhiên, việc thiếu giáo viên giảng dạy cũng gây khó cho ngành Giáo dục. Cần có giải pháp tháo gỡ, thi tuyển đảm bảo giáo viên bình quân trên lớp theo quy định. Trước mắt, đề nghị Sở GD-KH&CN phối hợp Sở Nội vụ làm các thủ tục để sớm trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành nghị quyết bổ sung biên chế cho ngành Giáo dục giai đoạn 2022 - 2026. Khi có nghị quyết, từ đó có cơ sở để thi tuyển giáo viên cho ngành.
Chia sẻ giải pháp của huyện Thanh Thủy trước thực trạng thiếu giáo viên, nhưng vẫn phải tinh giản biên chế, Bí thư Huyện ủy Thanh Thủy Nguyễn Minh Tường thông tin: Huyện thực hiện bố trí hợp đồng giáo viên còn thiếu. Đối với nơi thiếu nguồn hợp đồng, đơn vị tổ chức động viên các giáo viên vừa nghỉ hưu tại địa phương tiếp tục tham gia hợp đồng giảng dạy tại đơn vị. Một số trường có cơ sở vật chất bảo đảm thì thực hiện ghép lớp (có thể chấp nhận số học sinh/lớp lớn hơn so với quy định).
Huyện tiếp tục đề nghị cấp có thẩm quyền bổ sung chỉ tiêu biên chế giáo viên để bảo đảm tỷ lệ giáo viên theo quy định của Bộ GD&ĐT (theo quy mô lớp hiện có). Bên cạnh đó, giải pháp tăng cường giáo viên Tin học cấp THCS sẽ đảm nhận thêm nhiệm vụ dạy học Tin học cho cấp tiểu học trên địa bàn trong trường hợp thiếu giáo viên Tin học dạy lớp 3 theo chương trình mới.
Chia sẻ cách làm của Bến Tre, ông Võ Văn Bé Hai cho hay: Ngành Giáo dục đã tham mưu cho UBND tỉnh Bến Tre ban hành Kế hoạch số 2271/KH-UBND ngày 22/5/2018 về điều chỉnh, tổ chức, sắp xếp lại hệ thống cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 6876/KH-UBND ngày 26/10/2022 về điều chỉnh, tổ chức, sắp xếp lại hệ thống cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2022 - 2025.
Cùng với đó, hàng năm, ngành Giáo dục xây dựng kế hoạch thuyên chuyển viên chức từ nơi thừa sang nơi thiếu, từ cấp học này sang cấp học khác khi có đủ điều kiện. Đồng thời, triển khai Kế hoạch tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 113/2018/NĐ-CP và Nghị định 143/2020/NĐ-CP), từng bước thực hiện tinh giản những viên chức không còn đủ điều kiện công tác để thực hiện tuyển dụng bổ sung đội ngũ viên chức mới có đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ.
Ông Võ Văn Bé Hai cho biết thêm: “Ngành Giáo dục cũng kịp thời xây dựng kế hoạch tuyển dụng hàng năm nhằm bổ sung số viên chức nghỉ hưu, thôi việc... Đẩy mạnh công tác tự chủ tài chính theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP (chuẩn bị triển khai Nghị định 60/2021/NĐ-CP trong năm 2023), giúp các cơ sở giáo dục thực hiện hợp đồng theo Nghị quyết 102/NQ-CP. Tham mưu UBND tỉnh Bến Tre ban hành Kế hoạch số 5742/KH-UBND ngày 11/12/2017 về xã hội hóa đầu tư phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025.
Ngành đang xây dựng Kế hoạch xã hội hóa giáo dục phổ thông, dự kiến sẽ trình UBND tỉnh trong năm 2023. Các kế hoạch này sẽ góp phần nâng cao tỷ lệ huy động trẻ đến trường, tạo nhiều điều kiện cho học sinh được tham gia học tập, đồng thời góp phần giảm đầu tư cho giáo dục từ ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, kiến nghị, việc tinh giản phải rà soát, giảm ở khu vực thừa cục bộ, chứ không nên cào bằng”.
Theo đại diện Sở GD&ĐT Tiền Giang, giai đoạn từ năm 2015 trở về trước, Tiền Giang là một trong những địa phương thực hiện chặt chẽ khâu biên chế và giao biên chế giáo viên đứng lớp theo đúng quy định và sát tình hình thực tế. Tuy nhiên, giai đoạn sau, thực hiện các Nghị quyết Trung ương về tinh giản biên chế, đội ngũ giáo viên toàn tỉnh tiếp tục giảm 10% dẫn đến thiếu giáo viên. Một nguyên nhân khác khiến tình trạng thiếu giáo viên ngày càng trầm trọng do số học sinh cơ học tăng quá nhanh, đặc biệt năm 2019, số học sinh lớp 1 tăng đột biến, điều này ảnh hưởng đến đội ngũ nhà giáo.