Sau một thời gian đến công tác tại Trường THPT A Túc, thấy nhiều học sinh không có đủ dụng cụ học tập, thầy Võ Văn Tuấn đã kêu gọi, kết nối các nhà hảo tâm, cựu học sinh, anh chị em đồng nghiệp chung tay đóng góp hỗ trợ dụng cụ học tập và sách giáo khoa cho học sinh nhà trường.
Thầy Tuấn cho biết, qua thực tế giảng dạy tại trường, trung bình mỗi lớp học có từ 36-37 học sinh, nhưng chỉ có 3-4 em có đầy đủ dụng cụ học tập, còn lại thiếu rất nhiều. Với mong muốn đóng góp một phần sức nhỏ của mình để các em học sinh nơi đây phần nào vơi bớt khó khăn, có động lực vươn lên trong học tập và cuộc sống. Vì vậy, thầy Tuấn đã đứng ra kêu gọi người quen, học sinh cũ đã ra trường đóng góp các dụng cụ học tập, máy tính không sử dụng để tặng học sinh. Mỗi người chỉ cần cho đi một ít nhưng giúp đỡ đúng người sẽ có thể thay đổi một cuộc đời, một số phận.
Đầu năm học, thầy Tuấn kêu gọi hỗ trợ dụng cụ học tập cho học sinh. |
Chỉ trong thời gian ngắn, thầy Tuấn đã huy động hơn 2.000 cuốn vở, gần 500 bút viết, 26 máy tính cầm tay và nhiều phần quà hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của trường. “Nhận thấy phần lớn học sinh của trường còn thiếu thốn nhiều, nên thời gian tới, tôi tiếp tục đứng ra kêu gọi sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm để giúp đỡ phần nào cho các em có thêm điều kiện học tập tốt”, thầy Tuấn bộc bạch.
Mới đây, học sinh Trường THPT A Túc (huyện Hướng Hóa) tiếp tục đón nhận những phần quà ý nghĩa là 50 chiếc máy tính bỏ túi do thầy Võ Văn Tuấn kết nối, trao tặng. Với món quà ý nghĩa này sẽ giúp các em học sinh A Túc thuận tiện hơn trong việc học tập, đặc biệt là các môn học tự nhiên.
Mới đây, thầy Tuấn vận động hỗ trợ thêm 50 máy tính tặng học sinh. |
Thầy giáo Nguyễn Tửu - Hiệu trưởng Trường THPT A Túc cho biết, trường là một trong những đơn vị thuộc diện khó khăn của tỉnh. Hiện nay, trường có 3 khối lớp với hơn 450 học sinh, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các xã vùng khó trên tuyến Lìa của huyện Hướng Hóa. Điều kiện kinh tế gia đình còn gặp nhiều khó khăn, do đó, việc học của các em cũng bị ảnh hưởng.
“Đóng ở khu vực miền núi, điều kiện khó khăn, bên cạnh việc thiếu đội ngũ giáo viên thì điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như đồ dùng dạy và học của giáo viên, học sinh nhà trường còn nhiều thiếu thốn. Đầu năm học, có thêm 2 giáo viên được tăng cường đến dạy học sẽ hỗ trợ nhà trường đáp ứng tốt nhiệm vụ giảng dạy. Đặc biệt, thấu hiểu điều kiện học tập còn thiếu thốn của học sinh nơi đây, các thầy đã kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm để hỗ trợ các em có đủ dụng cụ học tập”, thầy Tửu chia sẻ.