Văn hóa

Tôn vinh áo dài giữa không gian di sản văn hóa

Thanh Sơn {Ngày xuất bản}

(GDTĐ) - Gần đây, du khách đã biết nhiều tới tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, dấu ấn đặc sắc là chương trình chào năm mới 2024 trình diễn thời trang và nghệ thuật áo dài với chủ đề “Nơi tôi sinh ra”.

van-mieu-2.jpg
Tôn vinh tà áo dài trong không gian của di sản văn hóa.

Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), chương trình "Nơi tôi sinh ra" đưa tới những câu chuyện về những tà áo dài được kết tinh từ nhiều vùng miền khác nhau, cùng với công nghệ 3D mapping, kỹ thuật và ánh sáng công nghệ kết hợp và tôn vinh những thông điệp mà tà áo dài mang tới, tạo nên những khám phá và trải nghiệm hoàn toàn mới cho khán giả.

Đạo diễn chương trình, Nhà thiết kế (NTK) Minh Hạnh cho biết: Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới là thời khắc đặc biệt và mang ý nghĩa lớn. Trong thời khắc này người ta thường hay nghĩ về những dự định cho năm mới, một trong những điều quan trọng nhất chính là tìm về cội nguồn. “Với ý tưởng đưa mỗi người tìm về bản thân, cội nguồn trước thềm năm mới, 'Nơi tôi sinh ra' vì thế không chỉ đơn thuần là một buổi trình diễn thời trang mà đó còn là câu chuyện về văn hóa Việt Nam. Ở mỗi vùng đất khác nhau sẽ có những câu chuyện riêng với chiếc áo dài. Tìm về cội nguồn không phải là vấn đề lớn lao với những nhà thiết kế, câu chuyện áo dài được kể chính bằng cảm xúc của họ về nơi sinh ra hay kể câu chuyện cuộc đời mình, kể những ký ức tốt đẹp về nơi chôn rau cắt rốn”, NTK Minh Hạnh chia sẻ.

van-mieu-3.jpg

18 NTK tiêu biểu đã đồng hành trong chương trình biểu diễn thời trang và nghệ thuật áo dài “Nơi tôi sinh ra”, tạo nên một hành trình khám phá văn hóa truyền thống qua những địa danh nổi tiếng, trải dài khắp các vùng miền của mảnh đất hình chữ S - Việt Nam. Từng vùng đất lịch sử của đất nước được khắc hoạ qua những tà áo dài, đến từ những địa danh như Điện Biên, Hà Nội, Huế, Quảng Nam, Tây Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh…

van-mieu-4.jpg

NTK Thanh Thúy mở đầu cho chương trình, giới thiệu bộ sưu tập gắn với địa danh lịch sử Điện Biên, cho biết: “Điện Biên - nơi tôi sinh ra, ông ngoại tôi - người chiến sỹ Điện Biên năm xưa, thường kể về những chiếc xe tăng và áo trấn thủ, về những người anh hùng trong cuộc chiến chống Pháp năm 1954 lịch sử, bất khuất. Điện Biên quê tôi còn có Hoa ban - loài hoa tượng trưng cho đất trời Tây Bắc, là biểu tượng của sự chân thành và thủy chung, giống như người con gái Thái xinh đẹp, đảm đang nhưng cũng sắt son một lòng. Bộ sưu tập lần này tôi muốn cho thấy một Điện Biên hào hùng của quá khứ và cả một Điện Biên tươi đẹp với cảnh sắc yên bình, trù phú ngày nay”.

van-mieu-5.jpg

Trong chương trình, mảnh đất Hà Nội nghìn năm văn hiến là nơi có nhiều NTK tự hào về văn hóa truyền thống Hà Nội xưa, một phần trong đó có sự góp mặt của áo dài. Với NTK Cao Minh Tiến “Với mỗi góc phố hàng cây đều chất chứa rất nhiều cảm xúc. Kỷ niệm về Hà Nội, với tôi như một cuốn tiểu thuyết dài, chính vì vậy tôi muốn ôm tất thảy những thứ tôi yêu, những đặc trưng của Hà Nội... đưa lên những thiết kế áo dài. Và tôi đã lựa chọn ký họa Hà Nội để ghi lại, chép lại những điều tốt đẹp nhất mà tôi muốn nói về nơi tôi sinh ra - Hà Nội”. Còn NTK Trịnh Bích Thủy bộc bạch: “Hà Nội nơi tôi sinh ra với bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, với tôi mùa Đông là mùa gây thương nhớ nhất, bởi mỗi khi xa Hà Nội, tôi lại nhớ về ký ức tuổi thơ, những cơn gió lạnh buốt thổi vù vù bao trùm cả Thành phố, nếu ra đường mặc không đủ ấm sẽ lạnh tê tái, len lỏi qua từng lớp áo. Buốt giá và khắc nghiệt là vậy, nhưng chính cái thời tiết này đã tạo ra một nét riêng cho mùa đông Thủ đô, một nét đẹp riêng mà không nơi nào có được. Bởi mùa đông, tôi được mẹ mặc cho một chiếc áo chần bông thật ấm áp và nhớ nhất là những ngày Tết, cô gái nhỏ háo hức một chiếc áo chần bông mới sặc sỡ sắc màu”.

van-mieu-6.jpg

NTK Duy Nguyễn sinh ra ở làng Thạch Xá, Hà Nội, kể câu chuyện áo dài gắn với kỷ niệm thời thơ ấu về cánh diều, chuồn chuồn tre. Đó là một phần ký ức tuyệt vời trong tuổi thơ. Theo NTK Duy Nguyễn: “Dù hôm nay đã trưởng thành và rời xa quê hương, nhưng hình ảnh sắc màu của những đôi cánh chuồn chuồn luôn khơi gợi cho tôi một bức tranh quê hương sống động và trở thành nguồn cảm hứng để tôi tạo ra bộ sưu tập”.

Trong chương trình NTK Silky đưa áo dài gắn với hình ảnh thân thương của những chiếc nón lá làng Chuông. Với NTK Chế Quyết Tiến: “Hoa văn gốm Bát Tràng với những màu sắc đặc trưng như xanh lam, xanh bích, trắng ngọc đã miêu tả chân thực những họa tiết bình dị của cuộc sống” và lấy cảm hứng từ sắc xanh của làng gốm Bát Tràng, NTK Chế Quyết Tiến muốn gửi gắm sự khát khao hòa bình được ẩn chứa sau những tà áo dài thướt tha.

Đối với NTK Ngọc Hân, niềm yêu thích đặc biệt dành cho những bộ tranh dân gian truyền thống. Cùng với tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, lần này Ngọc Hân có cơ hội giới thiệu tranh Kim Hoàng, đó là tranh lợn, gà, cuộc sống đồng quê, với đa dạng chủ đề. Sự kết hợp giữa in, tô màu, vẽ một cách khéo léo tạo nên sự uyển chuyển trong mỗi tà áo. Trong chương trình, du khách được ngắm nhìn bộ sưu tập áo dài tranh Kim Hoàng của Ngọc Hân gồm 20 mẫu dành cho cả người lớn và trẻ em, trên các chất liệu quen thuộc như lụa, tafta, đũi…

van-mieu-7.jpg

Đến với miền Trung, du khách được chiêm ngưỡng nét đẹp của áo dài xứ Huế qua các thiết kế của NTK Trần Thiện Khánh, NTK Viết Bảo và NTK Huệ Thi của vùng đất Quảng Nam.

Theo NTK Viết Bảo: “Dưới trời Huế biếc xanh trong, cố đô hửng nhẹ ánh hồng nắng thu, cảm hứng từ ráng chiều cùng nét bảng lảng bâng khuâng đã tạo nên cảm hứng cho bộ sưu tập với gam màu hồng chủ đạo. Hình ảnh những công trình kiến trúc cung đình hiện lên giữa khung cảnh chiều Huế đã được khắc họa rõ nét lên những tà áo dài”.

van-mieu-8.jpg

Cùng kể chuyện về Tây Nguyên, mỗi nhà thiết kế lại có một Tây Nguyên của riêng mình. NTK Nguyễn Thúy mang vào tà áo dài hương sắc rực rỡ của Tây Nguyên. Còn NTK Minh Hạnh đưa vào áo dài sắc màu của thổ cẩm và những đôi mắt sâu thẳm, hiền hòa của đồng bào dân tộc ở TP Pleiku. Đối với NTK Trung Beret, anh lại mong muốn cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số sống bằng nghề dệt thổ cẩm cũng như lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống và chấp nhận thách thức để tiếp cận những bí quyết truyền thống.

Từ TP Hồ Chí Minh, các NTK Công Huân và Cao Duy đã kể về một Sài Gòn hiện đại, năng động và mang nặng nghĩa tình. Theo NTK Công Huân: “Thành phố Hồ Chí Minh là tôi được sinh ra và được nuôi dưỡng trong nhịp sống năng động, là nơi mà tôi có thể tìm được những món ăn ngon nhất, là nơi mà những nghĩa tình được chia sẻ với những khốn khó. Tôi yêu Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh vì đã cho tôi cuộc sống này”.

Bên cạnh việc giới thiệu các bộ sưu tập, những câu chuyện về áo dài mang đậm dấu ấn văn hóa của các vùng miền, những dấu ấn về nét đẹp quê hương là điều mỗi nhà thiết kế muốn gửi gắm, chia sẻ. Đáng chú ý, khi mỗi bộ sưu tập áo dài được trình diễn, bên cạnh những người mẫu chuyên nghiệp là những người mẫu không chuyên - chính là các nghệ nhân của các làng nghề thủ công truyền thống, các diễn viên, ca sỹ, người dẫn chương trình truyền hình - những người góp phần thể hiện nét đẹp các vùng miền sống động và chân thực nhất.

Bên cạnh đó, việc sử dụng ánh sáng - âm nhạc với những ca khúc gắn với tuổi thơ, giới thiệu về các vùng miền, giới thiệu về quê hương, đất nước cũng góp phần đặc tả bối cảnh thành công cho những tà áo dài. Trên nền âm nhạc, các nghệ sỹ, diễn viên thể hiện nét đẹp quê hương, nét đẹp của làng nghề thủ công truyền thống gắn với tà áo dài đặc trưng địa danh ấy... Ánh sáng và âm nhạc cùng áo dài đã hoà quện trọn vẹn trong đêm diễn, tạo nên hiệu ứng và dấu ấn đáng kể của chương trình trong lòng khán giả những ngày đầu năm.

Bài liên quan
Trình diễn nghệ thuật áo dài "Nơi tôi sinh ra" của 18 nhà thiết kế
(GDTĐ) - Chào đón năm mới 2024, vào tối 5/1 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), trình diễn chương trình nghệ thuật áo dài mang chủ đề “Nơi tôi sinh ra” với sự góp mặt của 18 nhà thiết kế áo dài nổi tiếng.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tôn vinh áo dài giữa không gian di sản văn hóa