Tổng hòa nhiều giải pháp đổi mới giáo dục đạo đức

Hải Bình | 16/05/2022, 10:02
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thực hiện hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức trách nhiệm công dân cho học sinh, sinh viên cần đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp với lứa tuổi, cấp học, tạo động lực để học sinh nỗ lực hoàn thiện bản thân.

Sinh hoạt dưới cờ theo chủ đề luôn thu hút sự quan tâm của học sinh Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành.Sinh hoạt dưới cờ theo chủ đề luôn thu hút sự quan tâm của học sinh Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành.

Tổng hòa nhiều giải pháp

Tại Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), 6 giải pháp giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh đã được nhà trường triển khai trong thời gian qua.

Trong đó có đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, lồng ghép giáo dục đạo đức, lối sống qua các chủ đề dạy học và các hoạt động giáo dục; Tổ chức các hoạt động giáo dục kĩ năng sống, giá trị sống; Tổ chức hiệu quả các hoạt động Đoàn, Đội; Tổ chức các hoạt động vì cộng đồng, tuyên truyền về những tấm gương học sinh tiêu biểu, những việc làm tử tế; Huy động sự tham gia của các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường; Mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên phấn đấu trở thành tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Anh cho biết, nhà trường xác định việc tổ chức dạy học hiệu quả môn Giáo dục công dân là nhiệm vụ quan trọng trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho học sinh.

Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành đã xây dựng kế hoạch dạy học môn Giáo dục công dân thành các chủ đề gắn với việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Ví dụ: chủ đề “Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc” khơi gợi niềm tự hào dân tộc và ý thức giữ gìn, trân quý những giá trị truyền thống tốt đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc;… Nhiều nội dung giáo dục pháp luật đã được tích hợp vào môn Giáo dục công dân linh hoạt, hiệu quả như: giáo dục phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống tham nhũng; giáo dục pháp luật bảo vệ môi trường; giáo dục an toàn giao thông,…

Cùng với môn Giáo dục công dân, các môn học khác như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí,… đã lồng ghép nhiều nội dung giáo dục về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho các thế hệ học sinh.

Không chỉ học trên lớp, học sinh còn được học tại bảo tàng, tại các di tích lịch sử, các phòng thí nghiệm, phòng thực hành của trường đại học,…tạo cơ hội để học sinh hợp tác, tương trợ lẫn nhau, phát huy tư duy độc lập, tính sáng tạo, đồng thời, khơi dậy phẩm chất sống có trách nhiệm và khát vọng cống hiến.

Giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng tại Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thànhđi vào mỗi bài học một cách tự nhiên, thú vị nhờ việc đổi mới hình thức dạy học, mở rộng không gian lớp học.

Ngoài ra, tổ chức học môn Giáo dục quốc phòng an ninh giúp học sinh nhà trường được học về truyền thống đánh giặc giữ nước vẻ vang của dân tộc, được hiểu rõ hơn về lịch sử của Quân đội nhân dân Việt Nam, được hướng dẫn thực hành những kĩ năng cần thiết trong cuộc sống quân ngũ như cấp cứu các tai nạn thông thường, băng bó vết thương, chuyển thương,… Những giờ học nghiêm túc, thú vị vun đắp trong các em lòng biết ơn, trân trọng những người lính đã xả thân vì nước, giúp các em thêm yêu màu xanh áo lính và tự hào về truyền thống của cha ông.

Cũng theo cô Nguyễn Thị Thu Anh, rất nhiều giờ sinh hoạt dưới cờ tại Trường Nguyễn Tất Thành có chủ đề về giá trị sống như: trung thực, khiêm tốn, tôn trọng, trách nhiệm, đoàn kết, khoan dung… Chương trình Chào cờ do học sinh xây dựng nội dung và lựa chọn hình thức tổ chức dưới sự cố vấn của giáo viên chủ nhiệm. Rất nhiều chương trình Chào cờ hấp dẫn đã được xây dựng. Những bài học về đạo đức, lối sống không còn khô khan mà trở nên gần gũi với tất cả học sinh.

Bên cạnh tham gia hoạt động giáo dục kĩ năng sống ở Trung tâm kĩ năng sống IOGT - Sóc Sơn giúp cho học sinh thêm tự tin, biết làm chủ bản thân, góp phần xây dựng lối sống lành mạnh, tích cực, các tổ chuyên môn ở Trường Nguyễn Tất Thành đã lựa chọn đa dạng các hình thức tổ chức dạy học giúp học sinh được vận dụng kiến thức và hứng thú học tập. Nhiều cuộc thi được tổ chức bởi các tổ chuyên môn trở thành sân chơi bổ ích, tạo điều kiện cho học sinh vận dụng kiến thức lí thuyết vào giải quyết những vấn đề thực tiễn đời sống, góp phần phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất.

Thời gian được học tập tại Trường Quân sự quân khu II đã rèn luyện cho học sinh Nguyễn Tất Thành bản lĩnh, sự kiên cường và ý chí vững vàng.

Xây dựng và tổ chức các dự án vì cộng đồng cho học sinh là hoạt động được chú trọng tại Trường THCS &THPT Nguyễn Tất Thành. Hoạt động nhằm bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp trong học sinh, góp phần quan trọng hình thành thế hệ trẻ Việt Nam sáng về trí tuệ, giàu lý tưởng, hoài bão và có trái tim ấm nóng yêu thương. Rất nhiều dự án vì cộng đồng đã được triển khai, cuốn hút sự tham gia của đông đảo học sinh.

Để có kinh phí thực hiện các chương trình vì cộng đồng, học sinh đã thiết kế các dự án, bao gồm chuỗi các hoạt động có kế hoạch, có tổ chức với phương châm huy động tối đa các lực lượng giáo dục và học sinh tham gia. Cha mẹ học sinh cùng hỗ trợ học sinh bán hàng, cùng cố vấn cho con về cách thức triển khai dự án và cùng hạnh phúc khi thấy con sáng tạo, có trách nhiệm, biết cách phối hợp với bạn.

“Từ việc sẵn sàng tham gia giải quyết các vấn đề tại địa phương, học sinh thể hiện sự quan tâm tới các vấn đề lớn hơn của đất nước, của thế giới. Các em dần quen với cách thức làm việc và suy nghĩ của những công dân tích cực và trở thành những người truyền cảm hứng, lôi cuốn mọi người đóng góp tích cực cho cộng đồng” - cô Nguyễn Thị Thu Anh chia sẻ.

Thực hiện các dự án “Vì cộng đồng”, học sinh được giáo dục về lòng yêu nước, truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “tương thân tương ái”

Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số

Để công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tại Hà Nội giai đoạn 2021-2030 đạt hiệu quả cao, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác giáo dục là một giải pháp được xác định là trọng tâm và rất hiệu quả.

Bà Trần Lưu Hoa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Kế hoạch số 296/KH-SGDĐT ngày 28/1/2022 về xây dựng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của ngành Giáo dục giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 972/KH-SGDĐT ngày 15/4/2022 về thực hiện Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2022 - 2030”.

Hiện 100% trường học trên địa bàn đều có kết nối mạng internet bằng cáp quang với băng thông tối thiểu 30Mb, bảo đảm tỷ lệ máy tính phục vụ quản lý, dạy và học. Áp dụng quy chế quản lý, sử dụng sổ điểm điện tử cho các trường THCS, THPT, trung tâm GDNN-GDTX; ứng dụng phần mềm quản lý kết quả giáo dục tiểu học trên toàn Thành phố.

Hà Nội đang từng bước hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý giáo dục; cổng thông tin điện tử và nhiều phần mềm đã được triển khai hiệu quả như: phần mềm quản lý văn bản, quản lý công tác thi đua, khen thưởng, sáng kiến kinh nghiệm; các phần mềm hỗ trợ dạy học, quản lý học sinh trong các nhà trường. Nâng cấp, bổ sung kho học liệu điện tử, bài giảng e-Learning trên cổng thông tin điện tử của ngành. Triển khai thực hiện tốt mô hình “trường học điện tử”, “trường học kết nối”...

Cùng tăng cường truyền thông, giới thiệu tấm gương cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh tiêu biểu, điển hình trong trường học, ngành Giáo dục Hà Nội đồng thời tuyên truyền đến cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh sử dụng điện thoại di động đúng quy định, nâng cao ý thức, tránh nhiệm khi tham gia môi trường mạng. Khai thác hiệu quả các trang thông tin điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin và từng bước thực hiện chuyển đổi số trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng…

Cán bộ, nhà giáo, học sinh, học viên trong các cơ sở giáo dục của Thủ đô được khuyến khích xây dựng, phổ biến tin, bài, bài giảng về giáo dục đạo đức, lối sống phù hợp với từng độ tuổi, từng nhóm đối tượng trên diễn đàn, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, nhóm xã hội.

Cộng đồng học tập tích cực tại Trường Nguyễn Tất Thành góp phần thúc đẩy cán bộ, giáo viên nâng cao chất lượng công tác giáo dục lí tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh.

Trong thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông tập huấn, tuyên truyền cho 1.350 cán bộ, giáo viên các trường THCS, THPT nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng khi tham gia môi trường mạng và các nhà trường tổ chức tuyên truyền đến học sinh thông qua buổi sinh hoạt tập trung đầu tuần, trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Bà Trần Lưu Hoa cũng thông tin: Định kỳ 3 năm, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức Ngày hội Công nghệ thông tin với chủ đề “Chuyển đổi số ngành Giáo dục và Đào tạo - xây dựng giáo dục thông minh”. Đây là hoạt động quan trọng của toàn ngành, có ý nghĩa sâu sắc trong việc tiếp tục gắn công nghệ thông tin với các hoạt động quản lý, hoạt động dạy và học; khơi dậy tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên; góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ xây dựng thành phố thông minh, giáo dục thông minh thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập để phát triển.

Một trong những biện pháp giáo dục đạo đức, lí tưởng, lối sống cho học sinh được triển khai hiệu quả chính là phương pháp nêu gương. Sau mỗi học kì, Trường Nguyễn Tất Thành tổ chức trao học bổng cho học sinh có thành tích cao trong học tập, rèn luyện. Hình ảnh HStiêu biểu đạt học bổng Nguyễn Tất Thành, học sinh đạt thành tích cao trong các kì thi được vinh danh trong phòng truyền thống, trên trang thông tin điện tử của nhà trường. Đây là cơ hội để sự nỗ lực, cố gắng của các em được ghi nhận; đồng thời, các học sinh được vinh danh trở thành những tấm gương sáng, khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên, đóng góp cho nhà trường, xã hội.

Bên cạnh đó, chính hình ảnh những người thầy, người cô tràn đầy tâm huyết như một tấm gương chân thực, gần gũi, lan tỏa đến học trò những giá trị cốt lõi của nhà trường và cần mẫn ngày ngày cùng học trò thắp lên ngọn lửa khát khao cống hiến.

Bài liên quan
'Giữ' năng lượng Mặt trời trong 18 năm
Hệ thống thu và lưu trữ năng lượng Mặt trời trong một thời gian dài được phát triển tại Đại học Công nghệ Chalmers ở Gothenberg, Thụy Điển, có thể mở đường cho các thiết bị điện tử tự sạc theo yêu cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng hòa nhiều giải pháp đổi mới giáo dục đạo đức