“Các phương tiện truyền thông tại G20 sẽ đặc biệt dành riêng cho những người chỉ trích Nga và câu hỏi chính là liệu Tổng thống Putin có thể trình bày quan điểm của Nga hay không,” ông Maslov nói. “Nếu ông ấy không nhận được sự đảm bảo nào, ông ấy sẽ chỉ xuất hiện trực tuyến hoặc sẽ hủy bỏ việc tham gia của mình hoàn toàn”, ông Maslov phân tích.
Nhà lãnh đạo Nga gần như chắc chắn sẽ phải đối mặt với những câu hỏi khó xử từ các nhà báo, theo Jonathan Eyal, giám đốc quốc tế của Royal United Services Institute - một tổ chức nghiên cứu chính sách đối ngoại ở London.
"Tôi không biết. Tôi đã không nghĩ về nó. Chúng tôi sẽ xem xét”, Tổng thống Putin đã cho biết vào cuối tháng 7 khi được hỏi về việc liệu ông có tới New Delhi vào tháng tới hay không, hãng thông tấn Itar Tass của Nga đưa tin. Vào tháng 3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các nhà báo rằng hãy mong đợi một thông báo sau khi quyết định được đưa ra.
Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng tới được coi là hội nghị có nhiều tranh cãi nhất trong nhiều năm và là phép thử quan trọng đối với lập trường thực sự của nhiều quốc gia đối với Ukraine.
Vào tháng 7, một cuộc họp kéo dài hai ngày của các Bộ trưởng Tài chính G20 đã kết thúc mà không có thông cáo chung nào được đưa ra do những khác biệt căng thẳng về Ukraine. Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman nói rằng cả Nga và Trung Quốc đều phản đối việc đề cập đến vấn đề Ukraine. Trong khi đó, Pháp tuyên bố họ sẽ không ký bất kỳ tuyên bố nào chỉ dừng lại ở việc lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine, giống như tuyên bố được đưa ra vào cuối hội nghị thượng đỉnh G20 năm ngoái ở Bali.
Một rắc rối nữa đối với Tổng thống Putin nếu ông đi ra ngoài biên giới Nga là lệnh bắt giữ do Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành.
Tổng thống Putin đã bỏ lỡ hội nghị thượng đỉnh BRICS của các nền kinh tế mới nổi ở Johannesburg trong tháng này, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, vì nước chủ nhà Nam Phi sẽ có nghĩa vụ bắt giữ ông. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã nói rằng ông không muốn bắt giữ người đồng cấp Nga của mình.
Nam Phi là một trong 123 quốc gia đã phê chuẩn Quy chế Rome buộc họ phải thực hiện các lệnh của ICC. Ấn Độ, giống như Nga và Mỹ, không phải là thành viên.