Việc sắp xếp, bố trí cán bộ tại đơn vị hành chính mới thành lập gặp khó khăn do số lượng cán bộ tăng cơ học khi sáp nhập nhưng lại vừa phải giảm theo Nghị định 34/2019.
Trong đó, theo quy định các chức danh cán bộ chủ chốt chỉ do một người đảm trách, nên khi sáp nhập hai hoặc ba đơn vị hành chính thành một đơn vị hành chính thì việc bố trí cán bộ gặp khó khăn, nhất là số cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản.
Do đó, UBND TP HCM kiến nghị Chính phủ trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính để tạo thuận lợi cho các địa phương kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp, bố trí cán bộ.
Đồng thời có chính sách phù hợp theo hướng khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức dôi dư nghỉ việc ngay; việc áp chính sách đặc thù tại đơn vị hành chính mới nhằm bảo đảm không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân trên địa bàn.
Ngoài ra, UBND thành phố kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép điều chỉnh, thành lập mới các đơn vị hành chính đối với các đơn vị hành chính cấp xã có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều dự án trọng điểm, quy mô dân số rất đông khi thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.
Thực hiện Nghị quyết 1111, TP HCM còn 22 đơn vị hành chính cấp huyện gồm một TP trực thuộc TP HCM (TP Thủ Đức), 16 quận và 3 huyện với 312 đơn vị hành chính cấp xã (249 phường, 58 xã và 5 thị trấn).
Trong đó TP Thủ Đức được thành lập từ quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. TP HCM cũng sáp nhập một số phường ở các quận: 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận và TP Thủ Đức.