'Trải thảm đỏ' thu hút nhân tài cho giáo dục: Tìm thầy giỏi đào tạo nhân tài

Minh Phong | 15/03/2022, 13:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Tỉnh Hòa Bình đề xuất chính sách đặc thù - hỗ trợ 1 tỷ đồng cho người có trình độ PGS, GS về làm việc tại trường THPT chuyên và 300 triệu đồng với người có trình độ tiến sĩ và cam kết giảng dạy từ 10 năm trở lên.

Để người tài vững tâm cống hiến đòi hỏi phải có sự nhất quán trong chỉ đạo và thực hiện. Ảnh minh họaĐể người tài vững tâm cống hiến đòi hỏi phải có sự nhất quán trong chỉ đạo và thực hiện. Ảnh minh họa

Đề xuất này đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

Tìm người tài để đào tạo người tài

Trao đổi về vấn đề này, TS Bùi Thị Kim Tuyến – Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình – cho biết: Đây là dự thảo Nghị quyết để trình Hội đồng nhân dân tỉnh. Vì thế, có thể sẽ nhận được nhiều ý kiến khi lấy ý kiến công khai; thậm chí đến Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ còn ý kiến khác nhau. “Đề xuất có được phê duyệt hay không còn phải qua nhiều vòng và nhiều bước” – TS Bùi Thị Kim Tuyến nói.

Nhấn mạnh, cần thiết có chính sách đặc thù để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình, điều này thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với sự nghiệp giáo dục, nhưng có thu hút được hay không lại là chuyện khác. Hơn nữa, khi xây dựng chính sách, cần có tính phổ quát và tầm nhìn xa, với hiệu lực trong vòng 10 - 20 năm, chứ không phải là ngày một, ngày hai. “Nếu những người có trình độ cao về công tác sẽ được bố trí công việc phù hợp với trình độ, chứ không đơn thuần là giảng dạy trên lớp” - TS Bùi Thị Kim Tuyến nói, đồng thời chia sẻ: Đề xuất chính sách trên nhằm tạo động lực cho giáo viên nâng cao trình độ.

Thực tế cho thấy, nhiều địa phương cũng đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút người tài, giỏi cho ngành Giáo dục. Từ năm 2018, Sở GD&ĐT Quảng Nam đã có chính sách thu hút nhân tài cho ngành Giáo dục. Theo đó, sở liên hệ với các trường sư phạm để nắm bắt hồ sơ, nguyện vọng của sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc và thủ khoa. Sau đó, đặt vấn đề tuyển dụng và bổ nhiệm theo nhu cầu của địa phương.

Năm 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết “Quy định một số chế độ chính sách đối với Trường THPT chuyên Bắc Ninh, 8 trường THCS trọng điểm và chế độ đãi ngộ đối với cán bộ quản lý, chuyên gia, giáo viên, học sinh tham gia bồi dưỡng, tập huấn tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh (đối với THCS) cấp quốc gia, khu vực, quốc tế”. Theo đó, nhà giáo có học hàm GS, PGS hoặc TS ở ngoài tỉnh được tiếp nhận giảng dạy tại Trường THPT chuyên Bắc Ninh và có cam kết làm việc lâu dài (ít nhất 10 năm) được hỗ trợ kinh phí nhà ở trị giá 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện chưa có GS, PGS nào về trường công tác.

Cũng trong năm 2021, Giám đốc Sở GD&ĐT Tuyên Quang đã có Thư ngỏ gửi sinh viên thuộc các trường sư phạm trên toàn quốc về địa phương công tác với chế độ ưu đãi hấp dẫn. Theo đó, các ứng viên sẽ được tuyển dụng thông qua phương thức xét tuyển và hưởng chính sách hỗ trợ bằng tiền sau khi cơ quan có thẩm quyền có quyết định tuyển dụng với mức hỗ trợ như: Tốt nghiệp thủ khoa được hỗ trợ 55 lần mức lương cơ sở; tốt nghiệp loại xuất sắc được hỗ trợ 50 lần mức lương cơ sở; tốt nghiệp loại giỏi được hỗ trợ 45 lần mức lương cơ sở.

Ảnh minh họa.

Cần chiến lược dài hơi

Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Lương - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội), giáo dục là nghệ thuật và cũng là một ngành khoa học. Trong giáo dục phổ thông, nhất là dạy cho học sinh giỏi, cần người có kinh nghiệm nhiều hơn. Còn GS, PGS thiên về nghiên cứu và không phải ai cũng giỏi.

“Dạy học sinh giỏi không dễ, rất kén người. Để tuyển chọn giáo viên về trường chuyên, tốt nhất là chọn những người đã có thành tích và thành công nhất định. Việc phát hiện, đào tạo học sinh giỏi, năng khiếu cần Nhà nước và nhân dân cùng làm. Cho nên không phải cứ đầu tư là thành công, để giáo dục thành công cần nhiều thứ” - PGS.TS Nguyễn Vũ Lương trao đổi.

Hoan nghênh một số địa phương đã có đề xuất chính sách đặc thù để thu hút GS, PGS, TS về công tác trong trường chuyên, song PGS.TS Vũ Trọng Rỹ - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam – cho rằng: Chính sách này rất khó khả thi bởi dạy học ở trường chuyên phải giỏi hai thứ: Khoa học cơ bản và khoa học sư phạm. Tức là, giáo viên dạy học ở trường chuyên thuộc các tỉnh cần có hai phẩm chất: Kiến thức cơ bản của môn học đó phải giỏi. Ngoài ra, phải có kinh nghiệm dạy học và bồi dưỡng học sinh giỏi. Để đạt được hai tiêu chí này cùng một lúc là khó. Còn với những người đã đạt thì hầu hết đều có công việc làm ổn định với mức thu nhập không thấp.

Theo PGS.TS Vũ Trọng Rỹ, không phải TS, PGS, GS nào cũng dạy được ở trường chuyên. “Có bằng TS từ năm 1979 ở Liên Xô, về Viện Khoa học Giáo dục công tác bao nhiêu năm, nhưng nếu về dạy ở trường chuyên, tôi sẽ không dạy được, dù có viết sách giáo khoa” - PGS.TS Vũ Trọng Rỹ thẳng thắn chia sẻ, đồng thời đề xuất: Các địa phương cần chủ động chuẩn bị đội ngũ dạy học ở các trường chuyên bằng cách: Chọn những học sinh giỏi ở trường chuyên đó, rồi vận động các em học sư phạm, có hỗ trợ kinh phí. Tuy nhiên, các em phải cam kết: Khi tốt nghiệp sẽ về địa phương phục vụ. “Nói chung, đây là chiến lược bồi dưỡng nhân tài dài hơi, kế hoạch dài hạn” - PGS.TS Vũ Trọng Rỹ nói.

Ở góc nhìn khác, ông Dương Trung Quốc – Đại biểu Quốc hội khóa XIV – bày tỏ: Sáng kiến thì phải qua thực tế mới kết luận được. Trong sáng kiến, cho phép sai số ở mức độ có thể chấp nhận. Tuy nhiên, cấp quản lý không được lợi dụng để tư lợi. Song nếu chỉ dựa vào học hàm, học vị và lấy chuẩn thuần túy là PGS, GS, TS thôi thì cần xem xét và cân nhắc lại. Việc này cần có quy trình để bảo đảm chất lượng, công khai, minh bạch.

Theo ông Dương Trung Quốc, dạy học cho học sinh phổ thông, nhất là trường chuyên phải có những phẩm chất, năng lực nghề nghiệp riêng. Đi tìm người tài để đào tạo người tài, tôi hoàn toàn đồng ý. Vì thế cần có những chính sách, chế độ riêng, thậm chí là “vượt khung”, nhưng cần kiểm soát chặt chẽ để tránh tư lợi.
Bài liên quan
Nuôi khuyến học, dưỡng nhân tài
Tại TP Cần Thơ, phong trào “Nuôi heo đất khuyến học”; “3 đủ” (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở); phong trào vận động theo phương thức “1+1, 1+n”... giúp hàng nghìn học sinh nghèo được đến trường.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Trải thảm đỏ' thu hút nhân tài cho giáo dục: Tìm thầy giỏi đào tạo nhân tài