TPHCM là trung tâm giáo dục nghề nghiệp lớn của cả nước nhưng báo cáo của sở LĐ-TB&XH TP này cho thấy địa phương mới có 77/99 (đạt 77,77%) trường cao đẳng, trung cấp thực hiện công tác tự đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy định. 13/24 (đạt tỷ lệ 54,16%) trường cao đẳng công lập đã được kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp; 5/21 (tỷ lệ 23,8%) trường trung cấp công lập được kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp… Việc một số trường nghề chưa thật sự quan tâm đến công tác kiểm định chất lượng có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo, mức độ thu hút học sinh vào luồng nghề.
Có thể hiểu những khó khăn của giáo dục nghề nghiệp khi vẫn còn nhiều nơi chưa đạt được điều kiện sàn. Vấn đề kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp còn mới ở Việt Nam. Hiện, cả nước có chưa đến 300 kiểm định viên, trong khi số lượng trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp rất lớn…
Tuy vậy, không phải vì khó mà xem nhẹ công tác kiểm định chất lượng, bởi đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng là xu hướng tất yếu trong giáo dục của Việt Nam và trên toàn thế giới. Kiểm định chất lượng không chỉ là đảm bảo nhà trường có trách nhiệm đối với hoạt động đào tạo, mà còn mang lại động lực cải tiến và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, từ đó tăng sức hút đối với học sinh vào luồng nghề.
Là khâu then chốt để hấp dẫn học sinh, khi chất lượng đào tạo trường nghề chưa bảo đảm, mọi khâu định hướng, quảng bá, thu hút trước và sau đó dù nỗ lực thế nào vẫn khó đạt hiệu quả. Mục tiêu 50 - 55% học sinh trung học vào các trường nghề mà Ban Bí thư đặt ra không dễ dàng. Vì thế, cùng với nỗ lực của nhà trường phổ thông trong hướng nghiệp, các trường nghề cần làm tốt công tác chất lượng, xây dựng văn hóa chất lượng để đẩy mạnh tỷ lệ vào luồng nghề, đáp ứng chiến lược quốc gia về xây dựng nguồn nhân lực trực tiếp phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.