Tuy nhiên, có không ít ý kiến cho rằng "Bắt nạt" là một bài thơ hay khi sử dụng ngôn từ nhẹ nhàng, trong sáng và ẩn chứa một thông điệp nhân văn, hướng con người tới "Chân - Thiện - Mỹ".
Nhà giáo Vũ Thu Hương (giáo viên Ngữ văn, Thái Bình) cho hay, mọi người nên có cái nhìn cởi mở, lạc quan hơn về bài thơ này.
"Bài thơ gồm 8 khổ, mỗi khổ gồm 4 dòng với nội dung đề cập đến những mặt tiêu cực của việc đi bắt nạt người khác, đồng thời khuyên bảo các em không nên "ỷ mạnh hiếp yếu". Về nội dung và mục đích giáo dục, tôi thấy đây là bài thơ hay, phù hợp với việc giáo dục trẻ em về nạn bắt nạt tồn tại trong môi trường học đường.
Về biện pháp nghệ thuật, nếu đọc kỹ, ta sẽ thấy bài thơ "Bắt nạt" rất phong phú về phép tu từ như so sánh, ẩn dụ, câu hỏi tu từ… Đặc biệt là bố cục rất chặt chẽ, ngôn ngữ giản dị, phù hợp với tâm lý trẻ thơ.
Điều quan trọng của một tác phẩm văn học là nội dung đề cập tới. Tôi thấy, bài thơ này đã làm khá tốt".
Thầy giáo Ngữ văn Nguyễn Hoàng Đặng (Hải Phòng) nhận xét, văn bản "Bắt nạt" vẫn phù hợp khi sử dụng cho đối tượng học sinh lớp 6, không nhất thiết phải học sinh nhỏ hơn mới hợp như một số ý kiến đã nêu. Theo thầy Đặng, trong văn chương, những tác phẩm không giới hạn cho lứa tuổi nào. Cách thưởng thức văn chương nhiều khi chỉ đơn giản là dùng sự trân trọng để thưởng thức cái hay, cái đẹp mà tác giả gửi gắm.
"Mỗi người một cảm nhận, người này thấy hay, nhưng cá nhân khác lại thấy dở, là chuyện hết sức bình thường.
Tuy nhiên, việc lựa chọn một văn bản để đưa vào chương trình là một quá trình khó khăn, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay. Hội đồng biên soạn đều là những người có bề dày kinh nghiệm cả về lý luận lẫn thực tiễn, cho nên tôi nghĩ, việc đưa tác phẩm "Bắt nạt" này vào chương trình sách giáo khoa ắt hẳn sẽ có những lý do riêng. Quan trọng hơn, chúng ta nên công nhận công sức của cả tập thể biên soạn cũng như tác giả".