Trao quyền cho trường nghề

Hồ Phúc | 30/12/2022, 16:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nút thắt về dạy văn hóa và tuyển sinh đang được tháo gỡ...

Thuận lợi khi triển khai

Thời gian qua, Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX Quận 6 (TPHCM) giảng dạy văn hóa. Năm học 2021 - 2022, số lượng học sinh theo học hệ 9+ cao đẳng tại Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM tốt nghiệp THPT là 70 em. Theo ThS Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng nhà trường, 4 năm liền, học sinh đậu tốt nghiệp THPT 100%. Trong đó, có em tiếp tục học hết bậc cao đẳng với thời gian là 6 tháng tại trường để lấy bằng theo lộ trình. Cũng có em vừa học cao đẳng tại trường vừa thi tuyển vào các trường đại học.

Dạy văn hóa theo Thông tư 15 của Bộ GD&ĐT ban hành giúp nhà trường có đủ tính pháp lý trong việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức cho sinh viên theo học hệ trung cấp - cao đẳng (đối với sinh viên muốn hoàn thành chuyên môn nghề nghiệp để đi làm sớm). Về công tác tổ chức giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT, nhà trường đáp ứng được đầy đủ về chuyên môn, cơ sở vật chất, đầu tư phòng học riêng dành cho việc học kiến thức THPT và học chuyên môn nghề nghiệp theo từng ngành, nghề đào tạo. Đội ngũ giáo viên của trường đều đạt trình độ đại học trở lên.

Còn theo chia sẻ của TS Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa TPHCM, Thông tư 15 rất cụ thể, các trường chỉ cần chuẩn bị đội ngũ giáo viên và đăng ký chương trình giảng dạy. “Về cơ bản thời lượng là phù hợp, 3 môn bắt buộc và 1 môn tự chọn với 840 tiết phân bố trong 3 năm là hợp lý, đủ thời gian cho các em vừa học nghề vừa học văn hóa. Mỗi năm chưa đến 300 tiết, 1 năm nhà trường tổ chức học 10 tháng, như vậy mỗi tháng học 30 tiết văn hóa THPT cộng với chương trình nghề khoảng 100 tiết/tháng”, thầy Sáng nói.

Tuy nhiên, thầy Sáng vẫn băn khoăn Điểm 2, Điều 3 của Thông tư 15 quy định “Sau khi học sinh đã học và thi đạt yêu cầu thì được cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT để theo học trình độ cao hơn của GDNN và sử dụng trong các trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, học sinh chỉ được liên thông đến trình độ cao hơn thuộc vào lĩnh vực GDNN. Trong khi đó lĩnh vực GDNN đang tổ chức bậc học cao nhất là cao đẳng. Đồng nghĩa với việc nếu học sinh học 4 môn văn hóa theo chương trình THPT, các em chỉ được liên thông từ trung cấp lên cao đẳng, không được liên thông lên đại học.

Đồng tình với việc quy định học sinh bắt buộc học bốn môn văn hóa, lãnh đạo các trường đồng thời đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu thêm việc người học đã hoàn thành chương trình văn hóa tại cơ sở GDNN cần học thêm những gì, học bao lâu, ở đâu… thì đạt yêu cầu để thi lấy bằng tốt nghiệp THPT. Bởi một số em sau học nghề có nhu cầu thi tốt nghiệp sau đó vào đại học.

Theo TS Đặng Văn Sáng: “Các cơ quan chuyên môn cần làm rõ thêm nội dung tại Điểm 2 Điều 3 của Thông tư là “…sử dụng trong các trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật”. Vậy “các trường hợp cụ thể” là trường hợp nào. Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT thì có tương đương bằng tốt nghiệp THPT hay không? Nhà trường mong sớm nhận được hướng dẫn cụ thể hơn từ cơ quan chuyên môn liên quan để triển khai Thông tư được chuẩn xác”.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/trao-quyen-cho-truong-nghe-post620987.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/trao-quyen-cho-truong-nghe-post620987.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trao quyền cho trường nghề