Trí tuệ Việt trong sự nghiệp chấn hưng đất nước

TS Phạm Giềng | 25/12/2022, 07:28
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Để khát vọng hùng cường không chỉ là "giấc mơ" mà sẽ trở thành hiện thực, cần nhiều nguồn lực, trong đó trí tuệ, trí thức, nhân lực.

chan-hung-dat-nuoc.jpeg

Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra định hướng, giải pháp lớn với tư tưởng chủ đạo: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Khát vọng hùng cường là mục tiêu, mong muốn cháy bỏng của mọi quốc gia trên thế giới. Đối với Việt Nam, một dân tộc có truyền thống yêu nước, đoàn kết, văn hiến, anh hùng... khát vọng phát triển đất nước là một sức mạnh nội sinh phi thường, cội nguồn tạo nên những kỳ tích trong suốt tiến trình hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Để khát vọng hùng cường không chỉ là "giấc mơ" mà sẽ trở thành hiện thực, chúng ta cần nhiều nguồn lực khác nhau, trong đó trí tuệ, trí thức, nhân lực đóng vai trò quyết định.

chan-hung-van-hoa.jpeg

Nhằm làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn xoay quay nội dung vai trò của trí tuệ Việt Nam trong sự nghiệp chấn hưng đất nước, hiện thực hóa khát vọng phồn vinh, hùng cường, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề: Trí tuệ Việt trong sự nghiệp chấn hưng đất nước, hiện thực hóa khát vọng phồn vinh, hùng cường.

Hội thảo đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp đối với những nhà lãnh đạo quản lý và chính bản thân trí thức: “Làm thế nào để phát huy sức mạnh nội lực trí tuệ của dân tộc trong việc hiện thực hóa khát vọng hùng cường như lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh mong mỏi: Đất nước có thể “sánh vai với các cường quốc năm châu?”. Đó là mệnh lệnh trái tim để trí thức Việt Nam dấn thân hơn nữa cho sứ mệnh của dân tộc cũng là sứ mệnh của chính mình.

Hội thảo nhận được 111 bài viết có chất lượng. Các báo cáo đã tiếp cận chủ đề ở nhiều khía cạnh, nội dung khác nhau. Đó là những báo cáo thể hiện sự tâm huyết và công phu nghiên cứu của các nhà khoa học, cùng nỗ lực hướng tới nhận thức về tầm quan trọng của trí tuệ Việt đối với sự nghiệp chấn hưng đất nước.

Trí tuệ Việt trong sự nghiệp chấn hưng đất nước ảnh 1
Các nhà khoa học đều thống nhất quan điểm trí thức là đội ngũ tinh hoa cả về trình độ và nhân cách của dân tộc.

Các nhà khoa học đều thống nhất quan điểm trí thức là đội ngũ tinh hoa cả về trình độ và nhân cách của dân tộc, để trí thức phát huy vai trò tiên phong của mình thì một môi trường để cống hiến là vô cùng cần thiết.

GS.TS Phùng Hữu Phú – Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng khẳng định, đã đến lúc phải thật sự xem trí thức, hiền tài là nguyên khí của một quốc gia khát vọng phồn vinh, hạnh phúc. Để trí thức có thể tận hiến, cần có các giải pháp mang ý nghĩa đột phá từ nhận thức, đến thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thu hút trọng dụng nhân tài, quan tâm đến nhu cầu của trí thức để phát huy dân chủ, tự do sáng tạo. Đổi mới chính sách tiền lương và gắn kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với xây dựng trí thức, trọng dụng nhân tài.

Trí tuệ Việt trong sự nghiệp chấn hưng đất nước ảnh 2
GS.TS Phùng Hữu Phú – Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng.

Trong báo cáo của mình về trách nhiệm lịch sử và hành động sáng tạo của trí thức Việt Nam, GS.TS Hoàng Chí Bảo – chuyên gia cao cấp nhận định: Nuôi dưỡng, phát triển và phát huy tài nguyên con người là con đường cơ bản để tăng trưởng vốn xã hội, phát triển thực lực quốc gia, khẳng định trên thực tế thế và lực của đất nước trong cuộc đua tranh quốc tế để phát triển nhanh và bền vững, hội nhập thành công và đổi mới thắng lợi.

Muốn như vậy, việc lãnh đạo tri thức phải đúng và khéo dựa trên sự thấu hiểu và tin cậy trí thức. Hạnh phúc là chỉ số cao nhất của phát triển, đó là phát triển bền vững và thụ hưởng hạnh phúc đích thực phải là nhân dân. Đảng, Nhà nước và trí thức cùng với toàn dân, toàn xã hội nêu cao quyết tâm – tín tâm – đồng tâm biến cơ hội, khả năng thành hiện thực phát triển.

Để thực hiện khát vọng đó, trí thức cần đổi mới và sáng tạo. GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên chương trình Giáo dục Phổ thông năm 2018 nhấn mạnh những đặc điểm của trí thức, mọi sáng tạo của trí thức chỉ có giá trị khi dựa trên hiểu biết sâu sắc về lý luận và thực tiễn, với mục tiêu phục vụ xã hội.

Soi chiếu trong lịch sử, các hoạt động “cầu hiền” được nhiều triều đại Việt Nam coi trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm nhìn sáng suốt của một vĩ nhân đã trở thành lãnh tụ điển hình của việc thu hút trí thức, sử dụng nhân tài. Người đã cảm hóa, thuyết phục nhiều nhân sĩ, trí thức tài ba để họ đem khả năng phục vụ Tổ quốc.

GS.TS Hồ Sĩ Quý – Nguyên Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học Xã hội Việt Nam đặt ra yêu cầu đối với Đảng, Nhà nước: Cần có cơ chế, chính sách để phát huy dân chủ, tự do sáng tạo và đề cao đạo đức, trách nhiệm của trí thức; Cần có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài.

PGS.TS Lại Quốc Khánh – Phó Hiệu trưởng trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội phân tích khái niệm trí tuệ trong suy tư về xây dựng, phát huy nguồn lực trí tuệ của Việt Nam. Đội ngũ trí thức chính là hạt nhân của lực lượng lao động trí tuệ Việt Nam. Đây cũng chính là quan điểm, định hướng quan trọng cần quán triệt trong nghiên cứu vấn đề xây dựng và phát huy nguồn lực trí tuệ Việt Nam.

Đồng tình với quan điểm đó, TS Ngô Thị Lan Hương – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho rằng: Cần một chiến lược đột phá, đúng đắn, bền vững, lâu dài trong tổng thể chiến lược phát triển con người nhằm góp phần xây dựng đội ngũ đông đảo người tài, không chỉ có cán bộ các cấp mà mở rộng trong các lĩnh vực, ngành nghề, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

Chuyên gia Trương Đình Tuyển – Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam đặt ra yêu cầu “Làm thế nào để hiện thực hóa khát vọng?”. Ông nhấn mạnh cần phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Cần tạo ra những bước đột phá mới có tác động hội tụ và lan tỏa từ trung tâm đến ngoại vi trong bối cảnh thế giới đang vận động rất nhanh.

Là một đại diện tiêu biểu cho trí thức Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin trong chia sẻ của mình tại Hội thảo, CEO Nguyễn Tử Quảng đã gửi gắm khát vọng Việt Nam sẽ trở thành con rồng thứ 5 của châu Á tới thế hệ trẻ. Để làm được điều đó, hàng ngũ trí thức trẻ phải có hoài bão, ước mơ và dám dấn thân trong sự nghiệp hiện thực hóa khát vọng phồn vinh của nước nhà.

Bài liên quan
Chấn hưng văn hoá phải bắt đầu từ giáo dục
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu trong phiên bế mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021: “Cần kiên trì chấn hưng văn hóa và phải bắt đầu từ giáo dục”.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trí tuệ Việt trong sự nghiệp chấn hưng đất nước