Hiện nay, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) có 14 trường THCS và 5 trường PTDTBT Tiểu học và THCS. Chia sẻ từ ông Phạm Viết Phúc, quyền Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn, triển khai dạy học môn tích hợp, Phòng GD&ĐT yêu cầu cán bộ quản lý, giáo viên bộ môn các trường nắm chắc, hiểu kỹ về chương trình giáo dục theo quan điểm của Bộ/Sở GD&ĐT.
“Giải pháp là đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để có thể đảm nhiệm được môn Khoa học tự nhiên. Trong đánh giá giáo viên về dạy học với học sinh dân tộc miền núi và đánh giá chất lượng học sinh cần linh hoạt theo đặc điểm vùng miền”, ông Phạm Viết Phúc cho biết.
Cán bộ quản lý tiếp nhận chương trình chủ động, bố trí chuyên môn hợp lý theo chuyên ngành đào đạo, linh hoạt trong sắp xếp thời khóa biểu, kết hợp nhịp nhàng trong tổ chức đánh giá học sinh. Giáo viên lĩnh hội chương trình, lên kế hoạch tự học tự bồi dưỡng; tích cực đổi mới phương pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học. Học sinh năng động, tích cực hơn trong tiếp thu chủ đề, có tư duy tổng hợp kiến thức để giải quyết vấn đề khi thực hiện nhiệm vụ thầy cô giao.
Tuy nhiên, triển khai dạy học môn tích hợp vẫn khó khăn liên quan đến thực tế đội ngũ chỉ được đào tạo đơn môn; còn hạn chế, khó khăn trong tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá, sử dụng thiết bị dạy học, hướng dẫn thực hành thí nghiệm và sắp xếp thời khóa biểu. Học sinh dân tộc thiểu số kiến thức nền tối thiểu còn non nên tổ chức dạy học theo hướng tự tìm tòi mở rộng khó hiệu quả...
Giải quyết những khó khăn trong dạy học tích hợp, từ thực tế Trường THCS Thụy Trường, cô Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh đầu tiên đến việc phải đổi mới tư duy; luôn tìm tòi giải pháp, cách làm hay, phù hợp để vượt qua khó khăn. Cùng với đó, cập nhật, triển khai đầy đủ các văn bản chỉ đạo của cấp trên tới tận giáo viên. Tập trung cao độ tâm sức để xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường; chú trọng tính đồng bộ thống nhất cao giữa nhà trường, tổ chuyên môn, giáo viên.
Giáo viên cần được bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao trình độ chuyên môn. Cần có sự sắp xếp, bố trí các bài dạy theo chủ đề chung một cách khoa học hơn. Chỉ đạo sát sao, kịp thời, đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học để tháo gỡ khó khăn cho đội ngũ. Chú trọng sinh hoạt chuyên môn của tổ chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học với trọng tâm khối 6, 7 để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho giáo viên, đề ra giải pháp cụ thể để tổ chức tốt các hoạt động học tập.
Đặc biệt nhấn mạnh vai trò của giáo viên, cô Ngô Thị Trà Hương cho rằng, các trường cần tổ chức mời chuyên gia về tập huấn cho giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên; tăng cường chất lượng của họp tổ chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm. Cùng với đó, huy động, khai thác các thí nghiệm tự làm của giáo viên.
“Dạy môn Khoa học tự nhiên cần bám sát mục tiêu dạy học, nêu rõ các hoạt động cần tổ chức để hướng tới hình thành năng lực cá nhân cho học sinh. Giáo viên lựa chọn cách tổ chức hoạt động phù hợp với nội dung, điều kiện thực tế của lớp học. Mỗi hoạt động dạy học cần đánh giá theo tiêu chí rõ ràng, kết quả của mỗi hoạt động đạt được là một sản phẩm cụ thể. Luôn khích lệ, động viên học sinh khám phá, tìm tòi, liên hệ với cuộc sống”, cô Trà Hương chia sẻ kinh nghiệm.
Cô Nguyễn Thị Hương cho biết: Việc triển khai dạy học môn tích hợp rất phù hợp với quá trình phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh. Giải quyết những khó khăn để thực hiện tốt môn học mới là vấn đề mà các nhà trường, địa phương phải tập trung và quyết tâm làm.