Triển khai chương trình mới với lớp 10 dài hơi, kỹ lưỡng

Phạm Khánh | 28/01/2023, 06:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Năm nay là năm thứ 3 triển khai Chương trình mới và là năm đầu tiên với lớp 10, các tỉnh, nhà trường đang tích cực chuẩn bị và triển khai CT mới.

Công tác chuẩn bị dài hơi, kỹ lưỡng

Năm học 2022 - 2023, Trường THPT Cao Lộc, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn, có 40 lớp với 1.476 học sinh, trong đó trên 90% là học sinh dân tộc thiểu số. Đây cũng là năm học đầu tiên nhà trường triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 cho học sinh lớp 10.

Theo cô giáo Nguyễn Minh Thu, Hiệu trưởng Trường THPT Cao Lộc, việc triển khai Chương trình GDPT 2018 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường. Trong những năm học trước, nhà trường đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, tập trung nguồn lực về đội ngũ giáo viên, trang thiết bị dạy học và cơ sở vật chất phục vụ cho mục tiêu dạy và học theo chương trình mới.

Bước vào năm học 2021 - 2022, năm học trước khi triển khai Chương trình GDPT 2018 với lớp 10, nhà trường đã tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Nhà trường đã cử giáo viên đến các trường THCS trên địa bàn nhằm tư vấn, tuyên truyền và phổ biến về Chương trình GDPT mới và kế hoạch giảng dạy của nhà trường.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng quan tâm đến đội ngũ. Về phía cán bộ quản lý đã tích cực đổi mới phương pháp quản lý; chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên; tổ chức, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường khoa học, phù hợp với tình hình, đặc điểm của nhà trường.

Nhà trường đã tạo động lực, truyền cảm hứng cho đội ngũ giáo viên; làm tốt công tác thi đua khen thưởng công bằng; động viên, khích lệ, xây dựng những tấm gương điển hình tiên tiến trong nhà trường. Từ đó, thầy cô được tạo điều kiện và động lực để trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.

Triển khai chương trình mới với lớp 10 dài hơi, kỹ lưỡng ảnh 1

Học sinh Trường THPT Cao Lộc được tư vấn về Chương trình GDPT 2018. Ảnh: NTCC.

“Sau gần một học kỳ, theo đánh giá, học sinh hào hứng với chương trình mới, chủ động, tích cực tham gia vào các giờ học. Song hành với đổi mới chương trình, giáo viên đã đổi mới phương pháp giảng dạy, chủ động sáng tạo trong việc soạn giảng và tổ chức các hoạt động dạy học. Từ đó, đáp ứng yêu cầu đặt ra của Chương trình GDPT mới là phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh.”, cô Minh Thu nhận xét.

Điều này cũng thể hiện sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, ban hành hướng dẫn kịp thời, đầy đủ của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT cùng sự đồng thuận, ủng hộ của phụ huynh, học sinh và toàn xã hội.

Tương tự, tại tỉnh Hưng Yên, thầy Lưu Minh Nam – Hiệu trưởng Trường THPT Khoái Châu, cho biết để triển khai chương trình sách giáo khoa mới cho lớp 10 thuận lợi, hiệu quả, nhà trường đã chuẩn bị kế hoạch tương đối dài hơi và kỹ lưỡng, nhất là việc tuyên truyền cho học sinh chuẩn bị lên lớp 10.

Cuối năm học vừa qua, nhà trường phối hợp với các cơ quan chức năng xã và huyện Khoái Châu tuyên truyền, phổ biến tới phụ huynh, học sinh THCS về chương trình GDPT mới đối với lớp 10. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về các tổ hợp môn, các môn lựa chọn lẫn bắt buộc trong chương trình mới để phụ huynh, học sinh nắm bắt thông tin trước khi lựa chọn tổ hợp phù hợp.

Triển khai chương trình mới với lớp 10 dài hơi, kỹ lưỡng ảnh 2

Một tiết học của học sinh lớp 7 theo Chương trình GDPT 2018 tại tỉnh Hưng Yên. Ảnh: NTCC.

Triển khai theo lộ trình, kế hoạch

Tại tỉnh Hưng Yên, công tác chuẩn bị và triển khai Chương trình GDPT 2018 nói chung và đối với lớp 10 nói riêng được thực hiện theo đúng lộ trình, kế hoạch của Bộ GD&ĐT và UBND tỉnh.

Theo ông Nguyễn Mạnh Đạt, Trưởng phòng Giáo dục Trung học – Giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT Hưng Yên cho biết, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT.

Đồng thời, các nhà trường đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học; tăng cường việc sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trong các đơn vị giáo dục.

Địa phương cũng tăng cường chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình mới. Các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giáo dục môn học năm học phù hợp với điều kiện thực tế của từng trường; điều chỉnh kế hoạch tổ chức dạy học sát với tình hình thực tiễn.

Về công tác tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 10, tính đến tháng 8/2022, hơn 1.000 giáo viên đã được tập huấn về cách thức tổ chức dạy học các môn học theo CTGDPT 2018 đối với các môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Giáo dục thể chất. Kết thúc mỗi nội dung tập huấn, Sở chỉ đạo các đơn vị Phòng GDĐT, các trường THPT tổ chức tập huấn lại cho các giáo viên của đơn vị chưa được tập huấn tại tỉnh.

Tuy nhiên, tại tỉnh Hưng Yên, việc triển khai chương trình mới còn gặp phải nhiều khó khăn. Đơn cử, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học ở một số cơ sở giáo dục còn chưa đồng bộ, việc khai thác sử dụng thiết bị dạy học ở một số nhà trường còn hạn chế. Một số đơn vị trường thiếu phòng học, phòng bộ môn, phòng chức năng, một số công trình phụ trợ của các đơn vị trường xây dựng đã lâu nên xuống cấp....

Còn tại Trường THPT Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, cô Hiệu trưởng Nguyễn Minh Thu trăn trở: Việc triển khai Chương trình GDPT 2018 tại Trường THPT Cao Lộc còn một số khó khăn về thiết bị, đồ dùng dạy học. Trong việc lựa chọn môn học, một số học sinh còn lúng túng nên nhà trường và giáo viên tiếp tục quan tâm sát sao và tăng cường định hướng cho các em.

Một khó khăn nữa là kinh phí cho việc tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp còn hạn chế. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên còn thiếu ở một số môn học như Công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc nên trong năm học này, nhà trường chưa tổ chức được dạy học Âm nhạc và Mỹ thuật.

Bài liên quan
TPHCM dừng tuyển lớp 10 chuyên trong trường thường từ năm 2025
Từ năm học 2025-2026, TPHCM sẽ dừng tuyển các lớp 10 chuyên ở các trường thường (trường đại trà).

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Triển khai chương trình mới với lớp 10 dài hơi, kỹ lưỡng