Giáo dục

Triển khai Nghị quyết 57: Cần một cuộc 'chạy đua' thực sự để không lỡ nhịp bứt phá

19/05/2025 20:21

Cần một cuộc “chạy đua thực sự” – quyết liệt, hiệu quả và đột phá – để chuyển hóa tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thành hành động cụ thể.

Triển khai Nghị quyết 57: Cần một cuộc 'chạy đua' thực sự để không lỡ nhịp bứt phá- Ảnh 1.
PGS.TS Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/Thu Giang

Chiều 19/5 tại Hà Nội, Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức hội thảo “Đột phá phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo – Bài học từ kinh nghiệm quốc tế”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo nhấn mạnh, trong suốt 40 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn coi khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo à quốc sách hàng đầu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tiềm năng to lớn của lĩnh vực này vẫn chưa được khai thác triệt để, chưa đóng góp tương xứng vào tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng suất lao động.

Trong bối cảnh toàn cầu biến động nhanh chóng, cạnh tranh ngày càng khốc liệt, KHCN, đổi mới sáng tạo không còn là lựa chọn mà là con đường bắt buộc nếu Việt Nam muốn bứt phá. Những chủ trương lớn như Nghị quyết số 57-NQ/TW về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, hay Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù cho lĩnh vực này, thể hiện rõ quyết tâm chính trị, đồng thời mở ra cơ hội “vàng” để Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ trong giai đoạn phát triển mới.

PGS.TS Vũ Văn Tích ví Nghị quyết 57 như một “Khoán 10” mới – có thể tạo ra bước ngoặt tương tự như cách Khoán 10 đã làm với nông nghiệp Việt Nam. Nếu “Khoán 10” giải phóng sức sản xuất của nông dân, thì Nghị quyết 57 có thể mở đường cho nền sản xuất dựa trên tri thức, sáng tạo và công nghệ cao.

Dẫn ví dụ từ các nền kinh tế như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) hay Israel – những quốc gia không sở hữu tài nguyên thiên nhiên dồi dào – ông Tích khẳng định sự bứt phá của họ đến từ đầu tư mạnh mẽ vào khoa học công nghệ, giáo dục chất lượng cao, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hiệu quả và thương mại hóa tri thức.

Các quốc gia này thành công vì biết cách biến tri thức thành giá trị thông qua các sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao, phát triển công nghiệp công nghệ và xuất khẩu chất xám. Trong khi đó, tại Việt Nam, tỷ lệ giá trị gia tăng do chính người Việt Nam tạo ra trong tổng GDP vẫn còn thấp (~40%), chi tiêu cho KH&CN vẫn ở mức thấp, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia còn yếu, thiếu liên kết giữa nghiên cứu – ứng dụng – thị trường...

Ông Tích cho rằng muốn đạt được sự phát triển vượt bậc như các nước tiên tiến, Việt Nam cần thay đổi tư duy căn bản, đặc biệt là về văn hóa đổi mới sáng tạo. “Nếu không chấp nhận cái mới, không chấp nhận thất bại trong quá trình thử nghiệm, chúng ta sẽ không thể phát triển công nghệ cao”, ông Tích nhấn mạnh.

Việt Nam cần xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia toàn diện, trong đó có sự tham gia tích cực của các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, tổ chức tài trợ công nghệ, tổ chức sở hữu trí tuệ và các sàn giao dịch công nghệ...

Triển khai Nghị quyết 57: Cần một cuộc 'chạy đua' thực sự để không lỡ nhịp bứt phá- Ảnh 2.
Hội thảo “Đột phá phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo – Bài học từ kinh nghiệm quốc tế” - Ảnh: VGP/Thu Giang

KHCN phải thực sự đúng vai, là trục dẫn dắt phát triển

Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, Chủ tịch Hiệp hội Tự động hóa Việt Nam chỉ ra nhiều điểm nghẽn, trong số đó có cơ chế sở hữu kết quả nghiên cứu. Ở các nước, nhà khoa học đương nhiên sở hữu kết quả nghiên cứu, kể cả khi sử dụng ngân sách nhà nước. Nhưng ở Việt Nam, nhà nước cấp tiền thì nhà nước giữ quyền sở hữu, khiến nhà khoa học không thể thương mại hóa nghiên cứu, không thể chuyển giao cho doanh nghiệp – dẫn đến lãng phí...

Theo TS. Nguyễn Quân, những quy định tại Nghị quyết 57 và Nghị quyết 193 đã gần hơn với thông lệ quốc tế. Các cơ chế như khoán chi, đặt hàng nghiên cứu, quỹ đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro… đều là nền tảng cho một môi trường KH&CN năng động, điều làm cho các quốc gia thành công trong việc phát triển khoa học, công nghệ.

Ông Quân bày tỏ sự vui mừng khi Nghị quyết 57-NQ/TW được ban hành, nhưng cũng lo ngại về tốc độ triển khai còn chậm. “Tôi thấy lãnh đạo cấp cao rất quyết tâm, quyết liệt, nhưng cấp cơ sở, cấp trung gian chưa có sự chuyển biến mạnh tương xứng. Nhiều địa phương vẫn đang loay hoay xây dựng chương trình hành động và tổ chức quán triệt Nghị quyết, trong khi một số nội dung có thể triển khai ngay lập tức”.

TS. Nguyễn Quân cho rằng: "Chúng ta không thể triển khai Nghị quyết 57 theo lối thông thường – mà phải thực sự chạy đua. Nếu không nhanh chóng chuyển hóa tinh thần của Nghị quyết thành hành động cụ thể, hiệu quả và quyết liệt, thì chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội bứt phá".

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh: “Chúng ta đi sau nên phải làm khác. Đây không chỉ là câu chuyện tháo gỡ những vấn đề cụ thể, mà là yêu cầu phải đưa đất nước trở thành một quốc gia khoa học – công nghệ thực thụ.”

Theo ông Thiên, chiến lược KHCN không thể chỉ là bổ sung, hỗ trợ mà phải là chiến lược dẫn dắt sự phát triển quốc gia. KH&CN cần giữ đúng vai – là trục định hướng, là động cơ thúc đẩy tăng trưởng.

Ông Thiên đặc biệt khuyến nghị so sánh hai mô hình phát triển của Đông Bắc Á và Đông Nam Á, trong đó mô hình Đông Bắc Á thể hiện rõ vai trò trung tâm của KH&CN trong giải quyết bài toán phát triển – một bài học Việt Nam cần nghiêm túc học hỏi.

Muốn tạo ra những cú nhảy vọt, nhà nước phải đóng vai trò "đỡ đầu nền tảng" và kiến tạo môi trường cạnh tranh thực chất để đổi mới sáng tạo diễn ra hiệu quả.

“Hô hào đổi mới là chưa đủ, phải có cạnh tranh – đây mới là nền tảng để đổi mới sáng tạo diễn ra một cách thực chất,” ông Thiên nói.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh vai trò dẫn dắt của các tập đoàn kinh tế, điều hiện nay vẫn còn rất thiếu trong nền kinh tế Việt Nam.

Đầu tư bài bản vào công nghệ lõi và hệ sinh thái khởi nghiệp

GS.TS Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam chia sẻ nhiều ví dụ quốc tế cho thấy vai trò then chốt của KH&CN trong việc định hình vị thế quốc gia. Ông đánh giá cao cách Hàn Quốc đầu tư bài bản vào R&D thông qua các Chaebol và viện nghiên cứu quốc gia.

Singapore cũng là một hình mẫu thành công với chiến lược “Quốc gia thông minh”, tích hợp công nghệ số và đổi mới sáng tạo trong mọi lĩnh vực từ giáo dục đến đô thị và dịch vụ công. Trung Quốc đầu tư mạnh vào các công nghệ mũi nhọn như AI, 5G, siêu máy tính, y sinh và robot – kết hợp chính sách thu hút nhân tài và phát triển tài chính đổi mới sáng tạo.

Từ đó, GS. TS Nguyễn Thanh Thủy kiến nghị Việt Nam cần một chiến lược quốc gia rõ ràng, đầu tư trọng điểm vào các công nghệ lõi như AI, sinh học, tài chính số. Cùng với đó là chiến lược "Chính phủ dẫn dắt – tư nhân phát triển", có các quỹ chính phủ và chính phủ làm khách hàng lớn ứng dụng công nghệ lõi, chiến lược đầu tiên.

GS. TS Nguyễn Thanh Thủy cũng đề xuất xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đa tầng – bao gồm vườn ươm, quỹ đầu tư, chính sách thuế, hạ tầng và chuyên gia. Cần có chương trình quy mô quốc gia như “K-Startup Grand Challenge” của Hàn Quốc, triển khai sandbox công nghệ và tăng cường liên kết đại học – doanh nghiệp – nhà nước trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu...

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/trien-khai-nghi-quyet-57-can-mot-cuoc-chay-dua-thuc-su-de-khong-lo-nhip-but-pha-102250519102001217.htm
Copy Link
https://baochinhphu.vn/trien-khai-nghi-quyet-57-can-mot-cuoc-chay-dua-thuc-su-de-khong-lo-nhip-but-pha-102250519102001217.htm
Bài liên quan
Công bố các sản phẩm, sáng kiến khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trên Cổng Thông tin Nghị quyết 57
Ngày 13/5, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức công bố danh sách các sản phẩm, giải pháp, sáng kiến khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tiêu biểu đã được đánh giá, thẩm định và lựa chọn để đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử nq57.mst.gov.vn.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Triển khai Nghị quyết 57: Cần một cuộc 'chạy đua' thực sự để không lỡ nhịp bứt phá