Những ngày qua, trên trang mạng các cơ sở bán trú, trung tâm ngoại ngữ, gia sư… đồng loạt đăng tin cho thuê phòng dạy học...
Nắm bắt quy định mới về dạy thêm, học thêm của Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 29), những ngày qua, trên trang mạng các cơ sở bán trú, trung tâm ngoại ngữ, gia sư… đồng loạt đăng tin cho thuê phòng dạy học. Những đơn vị này nhắm đến giáo viên các trường phổ thông công lập có nhu cầu thuê chỗ dạy học.
Lên Facebook, vào mục tìm kiếm gõ cụm từ liên quan đến việc “thuê phòng học dạy thêm” lập tức xuất hiện hàng loạt các hội, nhóm về cho thuê với hàng nghìn lượt theo dõi. Theo tìm hiểu của phóng viên, nếu người có nhu cầu thuê phòng đăng bài dưới dạng “người tham gia ẩn danh”, ngược lại, phía cho thuê công khai địa chỉ, các mức giá cụ thể, số lượng chỗ ngồi tiện ích, kèm theo điện thoại.
Trong một nhóm Facebook chuyên về cho thuê phòng học dạy thêm với hơn 10 nghìn lượt người theo dõi, bình quân mỗi ngày có hơn 30 bài đăng về cho thuê phòng học và tìm phòng dạy thêm.
Một bài đăng có nhu cầu thuê phòng dạy thêm vào ngày 17/2 với nội dung: “Em tìm phòng dạy học khu vực quận Tân Phú, Bình Tân, lớp có sức chứa từ 10 - 15 học sinh…”, phía dưới phần bình luận hàng chục người vào giới thiệu trung tâm và để lại số điện thoại cho người thuê. Nhiều câu trả lời chi tiết về mức phí thuê theo giờ, tháng cùng liệt kê khoảng cách những trường tiểu học, THCS gần đó.
Trong vai giáo viên THPT có nhu cầu thuê phòng để dạy thêm học sinh, phóng viên liên hệ đến một trung tâm, như lời quảng bá đã có đầy đủ giấy phép kinh doanh dạy thêm thuộc địa bàn TP Thủ Đức (TPHCM), nhân viên tư vấn cho biết, đơn vị có 3 phòng học với sức chứa mỗi phòng 15 chỗ. Tuy nhiên, theo người này, lịch trống chủ yếu ngày thứ 2, 4, 6.
“Mỗi tuần 2 buổi, trung tâm sẽ thu 1,8 triệu đồng/tháng, thuê theo giờ thì 90 nghìn đồng/giờ. Trung tâm sẽ ký một hợp đồng dịch vụ theo hình thức mời thầy đến dạy và phải đóng thuế thu nhập. Chẳng hạn lớp trả cho thầy 5 triệu đồng, thầy phải trích 10% của 5 triệu để đóng thuế…”, nhân viên này giải thích.
Tiếp tục liên hệ với một trung tâm có địa điểm thuộc địa bàn Quận 10 (TPHCM), nhân viên tư vấn cam kết có đầy đủ giấy phép kinh doanh, đồng thời cho biết các phòng có sức chứa 15 - 17 học sinh. “Bên em không tính tiền thuê theo tháng mà tính theo giờ, 100 nghìn đồng/giờ. Giáo viên chỉ cần ký hợp đồng thuê phòng là được”, nhân viên này cho biết.
Theo thầy N.Đ.V. - giáo viên một trường THCS (quận Gò Vấp), vài tuần nay, trên các trang cho thuê phòng dạy học nhan nhản lời chào mời, nhưng khảo sát thực tế thầy V. gặp nhiều khó khăn. Có nơi phòng thoáng, rộng thì giá cao. Những đơn vị này thu tiền thuê phòng dạy theo đầu học sinh, mỗi em 120 nghìn đồng/tháng.
“Nhẩm tính, mỗi tháng tôi dạy 3 lớp với khoảng 50 học sinh đã mất 6 triệu tiền thuê phòng. Nơi giá rẻ thì phòng chật chội, không đủ điều kiện an toàn, nơi quá xa trường học. Nhiều chỗ còn đăng thông tin cho thuê phòng dạy học nhưng tới nơi là trung tâm tiếng Trung, hoặc trung tâm dạy kỹ năng. Nếu thuê phòng và ký hợp đồng ở đây sẽ không đáp ứng điều kiện về lĩnh vực hoạt động”, giáo viên này chia sẻ.
Theo chia sẻ của giám đốc một công ty về lĩnh vực giáo dục tại quận Gò Vấp (TPHCM), những ngày gần đây, đơn vị tiếp nhận nhiều lời đề nghị từ giáo viên các trường học trên địa bàn về việc ký hợp đồng dạy thêm. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào đơn vị cũng nhận mà sẽ chọn lọc phù hợp tiêu chí về năng lực, chương trình dạy tại cơ sở cũng như căn cứ vào số lượng lớp và mức độ tuyển sinh. Bên cạnh đó, trước khi dạy phải tham gia phỏng vấn dạy thử, nếu đáp ứng mới được nhận.
Cũng theo giám đốc công ty, thời điểm này, thầy cô tìm đến trung tâm theo 2 hướng: Đặt vấn đề thuê phòng để mở lớp dạy thêm và đến tìm hiểu xem có thể kết hợp cùng để hợp thức hóa dạy thêm. Những trường hợp này đơn vị không đồng ý, bởi theo Thông tư 29 có một số đối tượng và chương trình bị cấm dạy thêm. Do đó, nếu giáo viên có thể đáp ứng các chương trình giảng dạy khác tại trung tâm mới được xem xét.
“Trách nhiệm tuân thủ pháp luật, thực hiện đúng Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT của mọi công dân, học sinh, phụ huynh, giáo viên và cả người quản lý doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Hiện, đơn vị chúng tôi yêu cầu giáo viên làm cam kết không được dạy học sinh chính khóa của mình để tránh phiền phức trong khâu quản lý”, người này cho hay.
Ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM, cho biết, giáo viên được tổ chức dạy thêm, nhưng phải ở trung tâm, đơn vị có đăng ký kinh doanh theo quy định.
Ngoài ra, đối với giáo viên trường công lập, Luật Viên chức đã quy định rõ không được tham gia quản lý, điều hành hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường và Thông tư 29 tiếp tục khẳng định lại quy định này. Trong trường hợp giáo viên có cơ sở vật chất - nhà riêng đủ điều kiện cho cá nhân, tổ chức đăng ký kinh doanh dạy thêm, học thêm thuê để tổ chức, thầy cô được phép dạy tại nơi này.
“Khi lớp dạy thêm của cơ sở dạy thêm có học sinh chính khóa, giáo viên có thể đề nghị cơ sở sắp xếp lại lớp để tránh dạy chính học sinh của mình. Hoặc đề nghị cơ sở dạy thêm không thu tiền dạy thêm đối với học sinh nói trên.
Riêng với tiểu học, theo Thông tư 29, giáo viên tiểu học không được dạy thêm những môn mình dạy chính khóa ở trường, lớp. Giáo viên tiểu học trong trường công lập có thể ra trung tâm dạy đàn, dạy vẽ, thể thao… vì đây là các môn bồi dưỡng năng khiếu cho học sinh, không được tính là các môn kiến thức văn hóa nên không bị xếp là dạy thêm, học thêm”, ông Hồ Tấn Minh nhấn mạnh.
“Riêng các trung tâm ngoại ngữ, không đơn vị nào được cấp phép để dạy tiếng Anh trong Chương trình GDPT 2018 mà dạy tiếng Anh để rèn luyện các kỹ năng cho học viên theo chứng chỉ MOVER, KET, STARTER, PET... hoặc bộ tài liệu khác chương trình đang dạy trong trường. Vì vậy, giáo viên tiểu học ký hợp đồng dạy tại đây không trái quy định của Thông tư 29”, ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM cho hay.