GS.TS Lam Kwok Yan hiện đang là Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp Công nghệ Nanyang tại Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore; Giám đốc điều hành của Trung tâm Chiến lược Nghiên cứu Công nghệ và Hệ thống Bảo vệ Quyền riêng tư (SCRiPTS); Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia thông minh SPIRIT của NTU.
Từ năm 1998, ông đã nhận được nhiều giải thưởng về lĩnh vực An ninh thông tin và giải thưởng về Khởi nghiệp Sáng tạo, đồng thời thành lập nhiều công ty khởi nghiệp chuyên về công nghệ AI và Phân tích dữ liệu cho các ứng dụng thành phố thông minh. Từ 2017-2019, ông là Chủ nhiệm chương trình Cộng đồng An toàn của chương trình cao học NTU.
Tháng 8/ 2020, Giáo sư Lam tham gia INTERPOL với tư cách là cố vấn về đổi mới công nghệ và không gian mạng. Ông tham gia giang dạy tại nhiều trường đại học lớn như: Đại học Thanh Hoa, Đại học Quốc gia Singapore, Đại học London…;là giáo sư thỉnh giảng tại Viện Isaac Newton thuộc Đại học Cambridge và Viện An ninh Hệ thống Châu Âu.
Hướng nghiên cứu của Giáo sư Lam Kwok Yan bao gồm hệ thống phân tán, cơ sở hạ tầng bảo mật IoT và bảo mật hệ thống vật lý mạng, giao thức phân tán cho chuỗi khối, mật mã sinh trắc học, an ninh nội địa và an ninh mạng.
Tham dự hội thảo lần này, Giáo sư Lam sẽ chia sẻ những góc nhìn và nghiên cứu với chủ đề “Phân tích các mối đe dọa trên mạng thông minh do AI kích hoạt để nâng cao hiệu suất của các hoạt động không gian mạng.”
PGS. TS Trần Đức Tân - Phó Trưởng Khoa Kỹ thuật Điện và Điện tử, Đại học Phenikaa, Việt Nam
PGS.TS. Trần Đức Tân sinh năm 1980 tại Bắc Ninh. Từ 4/2006 đến 5/2019, PGS.TS Trần Đức Tân công tác tại Khoa Điện tử Viễn thông, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tại đây, ông được phong hàm phó giáo sư năm 2013 và là phó giáo sư trẻ nhất ngành Điện - Điện tử - Tự động hoá cho đến nay.
Vào tháng 8/2016, PGS.TS Trần Đức Tân được bổ nhiệm Phó Trưởng Khoa Điện tử Viễn thông, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Từ 6/2019, ông được bổ nhiệm làm Phó Trưởng khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Phenikaa.
Được biết, ông đã có nhiều năm làm trưởng ban chương trình của một số hội nghị chuyên ngành như: International Conference on Advanced Technologies for Communications (http://atc-conf.org/), National Conference on Electronics, Communications and Information Technology (http://rev-conf.org), International Conference on Research in Intelligent and Computing in Engineering (http://www.riceconference.in). Ngoài ra, ông còn được mời làm phản biện cho hơn 20 tạp chí quốc tế (thuộc danh mục ISI) trong lĩnh vực Kỹ thuật Điện tử - Xử lý tín hiệu.
Tại hội thảo lần này ông sẽ trình bày về đề tài “Một số hệ thống dựa trên IoT cho các ứng dụng mới nổi”, một trong những chủ đề được cộng đồng khoa học quan tâm.
Đánh giá về ý nghĩa của Hội thảo về Mạng và các Hệ thống thông minh đối với quá trình Chuyển đổi số Quốc gia, Phó Giáo sư Trần Đức Tân cho biết hội thảo quy tụ các nhà lãnh đạo trong ngành, các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp để chia sẻ suy nghĩ và nêu lên tiếng nói của họ về các thành phố của tương lai.
“Chuyển đổi kỹ thuật số hứa hẹn cải thiện hiệu quả trong các khía cạnh khác nhau của quản lý, giáo dục, kỹ thuật và công nghệ. Qúa trình này cho phép đổi mới và giảm chi phí của một loạt các quy trình kinh doanh. Đây cũng là phiên đặc biệt sẽ có trong hội nghị sắp tới. Cùng với chuyển đổi số, xu hướng phát triển mới của các đô thị nhằm hướng đến tối ưu hóa tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững, chăm sóc sức khỏe tốt hơn, nâng cao hiệu quả hoạt động và phúc lợi, đồng thời mang lại sự an toàn và thuận tiện cho người dân.” - PGS.TS Trần Đức Tân nhận định.