Tròn trọng trách “một vai hai gánh”

Lan Anh | 08/03/2022, 07:10
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Những năm qua, phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” thu hút đông đảo nữ giáo viên trong toàn ngành Giáo dục tham gia.

Cô Bế Thị Trang - giáo viên Trường THCS Quảng Chu (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn). Cô Bế Thị Trang - giáo viên Trường THCS Quảng Chu (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn).

Thông qua phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu được các cấp, ngành tuyên dương, khen thưởng.

Tấm gương sáng

Hơn 15 năm gắn bó với nghề, cô Bế Thị Trang - giáo viên Trường THCS Quảng Chu (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) không những làm tròn trách nhiệm là người vợ, người mẹ trong gia đình, mà còn tham gia gánh vác công việc xã hội, là tấm gương sáng trong phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” của tỉnh.

Bằng tinh thần nhiệt huyết, ham học hỏi và để có được những bài giảng hay, cô đã tìm tòi xây dựng phương pháp giảng dạy sao cho khoa học, không gây nhàm chán cho học sinh, đặc biệt là những sáng kiến kinh nghiệm đổi mới phương pháp dạy học tích cực, giúp học sinh hứng thú trong giờ học.

Nhận thức rõ vai trò của người phụ nữ trong gia đình, cô Trang luôn luôn đề ra thời gian và lập kế hoạch cụ thể sao cho vừa làm tốt vai trò làm vợ, làm mẹ và làm thầy. Gia đình cô vinh dự được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa tiêu biểu” 3 năm liền. Còn con gái cô trong nhiều năm luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi cùng nhiều giải thưởng cao tại các kỳ thi cấp huyện, cấp tỉnh.

Cô Vương Thị Hoài - giáo viên Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) có 25 năm gắn bó với nghề giáo. Cô luôn nỗ lực học hỏi, trau dồi sự hiểu biết, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, tổ chức hoạt động tiết học phong phú, tìm tòi xây dựng phương pháp giảng dạy sao cho khoa học.

Những hoạt động ý nghĩa của cô Vương Thị Hoài cùng Công đoàn Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên).

Dù bận rộn với công việc, nhiệm vụ được giao nhưng cô luôn biết cách sắp xếp thời gian hợp lý cho việc chung, việc riêng, có kế hoạch làm việc khoa học. Không chỉ giỏi việc trường, cô còn là người vợ, người mẹ mẫu mực trong gia đình, luôn đồng hành cùng chồng chăm lo cho cuộc sống gia đình hạnh phúc, chăm sóc hai con chăm ngoan, học giỏi.

Hơn 22 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, cô Nguyễn Thị Hồng Thanh - giáo viên Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (Hòa Bình) luôn tận tâm, tận lực với công việc, không ngừng học tập, nâng cao trình độ để có những bài giảng hay, phương pháp khoa học, truyền dạy kiến thức cũng như kỹ năng sống cho học sinh.

Ngoài là giáo viên chủ nhiệm, đứng lớp, cô giáo Thanh còn đảm nhiệm trọng trách là Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ Sử - Địa, ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn nhà trường. Từ sự cố gắng và sáng tạo, hiệu quả trong mỗi tiết học, cô Thanh được Ban giám hiệu giao thêm trọng trách ôn luyện cho đội tuyển Lịch sử, đóng góp vào thành tích có 54 học sinh đạt học sinh giỏi quốc gia.

Nhờ những nỗ lực, cống hiến trong quá trình công tác, cô Thanh đã được các cấp, ngành khen thưởng với những danh hiệu cao quý như: Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh, giáo viên dạy giỏi, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Thủ tướng Chính phủ; đặc biệt, cô vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Nhà giáo Ưu tú vào năm 2021.

Cô Nguyễn Thị Hồng Thanh - giáo viên Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (Hòa Bình) cùng học sinh.

Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo

Ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết: Nữ cán bộ, nhà giáo, người lao động trong ngành Giáo dục chiếm tỷ lệ gần 80% trong tổng số cán bộ nhà giáo, người lao động toàn ngành Giáo dục. Các cô có mặt ở mọi lĩnh vực công tác, từ quản lý, giảng dạy và hành chính.

Điều đó cho thấy vai trò của phụ nữ hết sức quan trọng trong sự phát triển của ngành nói riêng và của xã hội nói chung. Đây là lực lượng góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu giáo dục, giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào tạo của toàn ngành.

Nữ cán bộ nhà giáo, người lao động đã vượt qua tất cả mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, trở thành những tấm gương tiêu biểu, góp phần không nhỏ vào việc phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Bên cạnh giỏi việc trường, nữ cán bộ nhà giáo trong ngành Giáo dục còn đảm đang trong công việc gia đình. Với những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, phát huy lợi thế của phụ nữ ngành Giáo dục, có năng lực sư phạm, tâm lý và biết vận dụng hiểu biết để tổ chức tốt cuộc sống gia đình.

“Các cô đã làm tốt vai trò là “người thầy đầu tiên” của các con; tổ chức cuộc sống gia đình hạnh phúc, chăm lo cuộc sống gia đình, nuôi dưỡng bố mẹ, dạy các con chăm ngoan, học giỏi, hiếu thảo. Mặc dầu vẫn còn nhiều nữ nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn, song các chị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của “người xây tổ ấm”. Nhiều gia đình nữ nhà giáo giữ được nét đẹp truyền thống nhiều thế hệ cùng chung sống hạnh phúc, yêu thương, tôn trọng nhau.

Không chỉ chăm lo cho cuộc sống gia đình mình, với tinh thần tương thân, tương ái, với những nghĩa cử cao đẹp, với tấm lòng nhân hậu, sẵn sàng sẻ chia và giúp đỡ mọi người, phụ nữ ngành Giáo dục đã tích cực hưởng ứng tham gia các hoạt động của cộng đồng, quan tâm chăm lo cho cán bộ nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ giáo dục ở miền núi, vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn”, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh.

Cũng theo ông Ân, phong trào “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” được lồng ghép với phong trào thi đua “Hai tốt” và các cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”... đã thu hút đông đảo nữ cán bộ, nhà giáo, người lao động tham gia một cách tự nguyện, có tác dụng thúc đẩy các hoạt động giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

Để kế thừa và phát huy hiệu quả của phong trào, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tiếp tục phát động phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” trong ngành Giáo dục giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu tuyên truyền, giáo dục, vận động nữ cán bộ nhà giáo người lao động phát huy tiềm năng, trí tuệ, lao động giỏi, lao động sáng tạo; xây dựng hình ảnh người phụ nữ ngành Giáo dục.

Phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, nữ cán bộ nhà giáo không ngừng học tập, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu thực tế công việc và sự phát triển của xã hội. Có rất nhiều nữ cán bộ nhà giáo đạt được thành tựu đáng ghi nhận, nhiều chị em đã có sáng kiến kinh nghiệm, đề tài nghiên cứu khoa học được áp dụng, mang lại lợi ích cao, nhiều cô được nhận những phần thưởng cao quý của Nhà nước, các cấp, ngành. - Ông Nguyễn Ngọc Ân
Bài liên quan
Đề xuất sửa quy định về trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), công tác quản lý nhà nước về giáo dục còn bộc lộ một số tồn tại, chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Sự phối hợp giữa các cơ quan còn hạn chế, có sự chồng chéo...

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tròn trọng trách “một vai hai gánh”