Trọn vẹn ý nghĩa ngày tri ân

Đức Trí | 16/11/2022, 14:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Tôn sư trọng đạo là truyền thống lâu đời. Do đó, mỗi dịp 20/11 hầu hết nhà trường đều tổ chức hoạt động hưởng ứng.

Đặc biệt, có Ban phụ huynh mang tính “ăn thua” trích tiền quỹ lớp đầu tư mời biên đạo dàn dựng tiết mục, giáo viên hướng dẫn hát múa, làm nhạc, quay video, chụp ảnh lưu niệm. Cùng đó bồi dưỡng ăn uống cho học sinh mỗi buổi tập múa hát; thưởng “nóng” tiết mục đoạt giải… Số tiền hưởng ứng phong trào dịp này lên tới cả chục triệu đồng. Việc luyện tập tổ chức trước cả tháng và sau khi kết thúc khiến giáo viên, thậm chí học sinh, phụ huynh đều mệt nhoài và tốn kém.

Trọn vẹn ý nghĩa ngày tri ân ảnh 1
Chúc mừng thầy cô dịp 20/11. Ảnh: NTCC - IT

Để tri ân trọn vẹn ý nghĩa

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng (Học viện Quản lý Giáo dục) bày tỏ: Tổ chức kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam để giáo dục truyền thống cho học trò các thế hệ, cũng là dịp tri ân những người làm công tác giáo dục, xã hội tôn vinh người thầy… là việc cần thiết và nên làm. Song hình thức tổ chức tri ân ra sao để trọn vẹn ý nghĩa, tránh lãng phí, tiêu cực… lại cần bàn và có hướng triển khai phù hợp.

Theo quan điểm của PGS.TS Trần Thị Minh Hằng, các nhà trường không phải cứ tổ chức rầm rộ, “đổ” vào hoạt động nhiều kinh phí thì đó là tri ân, giáo dục truyền thống. Thậm chí, nếu không cẩn thận sẽ phản tác dụng giáo dục. Tri ân nhà giáo phải là dịp để nhắc nhớ, ôn lại kỷ niệm chứ không để khoa trương, giải ngân.

Quà về vật chất chỉ là một phần ý nghĩa rất nhỏ, tinh thần mới quan trọng đối với đội ngũ nhà giáo. Nhà trường, phụ huynh, học sinh có thể chỉ tặng người thầy lẵng hoa nhỏ kèm lời chúc mừng… cũng đủ để nhà giáo cảm nhận hạnh phúc nghề nghiệp, thêm ý nghĩa về nghề cao quý mình đã và đang làm, thấy được sự tôn vinh của xã hội…

Chính vì vậy, hình thức tổ chức tri ân cần đa dạng. Bên cạnh mít tinh, thông tin về ngày nhà giáo trên các trang website… cần nhân rộng các điển hình tiên tiến, tấm gương nhà giáo qua nhiều thế hệ để học trò cùng biết đến, trân trọng và biết ơn. Mặt khác, giúp cho đội ngũ giáo viên trẻ - thế hệ đi sau, kế cận học hỏi và noi theo những tấm gương, thế hệ đi trước.

Đối với các bậc phụ huynh, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng cho rằng, nếu đến với người thầy bằng những món quà xa xỉ, nặng về vật chất trong ngày tri ân chính là làm “khó”, thậm chí “hư” người thầy. Các bậc phụ huynh cần hướng tới đội ngũ nhà giáo nói chung bằng sự thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông hoặc giúp đỡ khi họ gặp khó khăn, đúng lúc, đúng chỗ, đúng người. Phụ huynh không nên quan niệm quà nặng đồng nghĩa tình cảm nặng. Và chỉ cần thể hiện sự biết ơn, tri ân với người thầy mỗi dịp 20/11 vì sự phấn đấu, hy sinh lâu dài của họ với nghề nghiệp, học trò.

“Tri ân làm sao để các thế hệ học trò, giáo viên trẻ thêm biết ơn những người thầy; tạo uy tín hình ảnh tốt đẹp của người thầy; trao truyền kinh nghiệm của người đi trước đến thế hệ sau… mới là thành công”, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng khẳng định.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/tron-ven-y-nghia-ngay-tri-an-post615377.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/tron-ven-y-nghia-ngay-tri-an-post615377.html
Bài liên quan
Trọn vẹn ý nghĩa ngày tri ân
Tôn sư trọng đạo là truyền thống lâu đời. Do đó, mỗi dịp 20/11 hầu hết nhà trường đều tổ chức hoạt động hưởng ứng.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trọn vẹn ý nghĩa ngày tri ân