"Hải quan duy trì tinh thần cảnh giác cao độ với trách nhiệm tuyệt đối, lấy sự an toàn của người tiêu dùng trong nước làm nguyên tắc", GACC ngày 7/7 cho biết.
Trước thông báo của GACC, một số quan chức Nhật Bản đã bày tỏ lo ngại về khả năng Trung Quốc ngừng nhập khẩu hải sản và các thực phẩm khác của Nhật Bản. Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ hải sản chính của Nhật Bản.
Đây được coi là động thái đáp trả mới nhất của Trung Quốc sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) bật đèn xanh để Nhật Bản xả nước phóng xạ ra biển. Nhật Bản khẳng định nước nhiễm phóng xạ từ thảm họa năm 2011 đã được lọc một cách kỹ lưỡng để loại bỏ hầu hết đồng vị phóng xạ và có thể bắt đầu được xả ra biển từ tháng 8.
Theo nhà chức trách Trung Quốc, hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS) mà Nhật Bản sử dụng để lọc nước phóng xạ ở nhà máy Fukushima không đảm bảo sự tin cậy, đặc biệt là khả năng lọc đồng vị phóng xạ kém dần trong thời gian dài.
"Gần 70% nước nhiễm phóng xạ xử lý qua ALPS không đáp ứng tiêu chuẩn xả nước. Hiệu quả, độ tin cậy của hệ thống sẽ kém dần do ăn mòn và độ tuổi của thiết bị khi hoạt động trong thời gian dài", Uông Văn Bân, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết.
Nhật Bản có thể xả nước phóng xạ trong 30 năm hoặc lâu hơn. "Do những điểm không chắc chắn này, cộng đồng quốc tế có lý do để bày tỏ lo ngại và phản đối", ông Uông nói.