NATO, liên minh quân sự hùng mạnh nhất thế giới đã tiến hành chiến dịch không kích Nam Tư từ cuối tháng 3/1999 với mục tiêu ngăn chặn hoạt động quân sự của lực lượng Tổng thống Slobodan Milosevic chống lại người Albania ở tỉnh Kosovo. Chiến dịch không có sự cho phép của Liên hợp quốc và bị Trung Quốc cùng với Nga phản đối quyết liệt. Theo nhà chức trách Serbia, vụ đánh bom của NATO đã khiến khoảng 2.500 người thiệt mạng và 12.500 người bị thương.
Đến ngày 7/5/1999, Mỹ dội 5 quả bom dẫn đường xuống đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade với lý do “lỗi bản đồ”, khiến 3 người thiệt mạng. Tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton, khi đưa ra lời xin lỗi về vụ đánh bom, tuyên bố đó chỉ là một tai nạn. Tuy nhiên, đại diện của Trung Quốc tại Liên hợp quốc tố cáo đây là "tội ác chiến tranh" và là "hành động dã man".
Theo Sputnik News , NATO cũng từng tùy tiện tiến vào các quốc gia như Afghanistan, Iraq và Lybia, xúi giục xung đột dân sự hoặc "các cuộc cách mạng màu" để lật đổ chính phủ một cách bạo lực, tạo ra hỗn loạn và cướp bóc tài nguyên của các quốc gia đó.
Trước đó, hôm 13/7, đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc, Đại sứ Trương Quân đã chỉ trích NATO là “kẻ gây rối thực sự” trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ông Zhang cũng lên án thông cáo chung được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Litva.
Trong thông cáo, liên minh quân sự tuyên bố “ tham vọng và chính sách cưỡng chế của Trung Quốc thách thức lợi ích, an ninh và giá trị của NATO” . Đồng thời cáo buộc Bắc Kinh về “những luận điệu đối đầu và thông tin sai lệch” và sử dụng “ đòn bẩy kinh tế của mình để tạo ra sự phụ thuộc chiến lược và nâng cao ảnh hưởng của mình”.
Tuyên bố của khối bị đại sứ Trương Quân tố cáo là “thấm đẫm tâm lý Chiến tranh Lạnh”, định kiến về ý thức hệ, coi thường sự thật và là những cáo buộc vô căn cứ chống lại Trung Quốc.
Phái đoàn Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (EU) sau đó đưa ra một tuyên bố để đáp lại thông cáo chung của NATO, bày tỏ quyết tâm bảo vệ chủ quyền và an ninh của mình. Tuyên bố nói thêm rằng Trung Quốc phản đối mọi hành động của NATO gây tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc cũng như sự mở rộng của NATO ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Để ngăn ngừa "mối đe dọa từ Trung Quốc", Washington đã và đang tạo ra các khối chính trị - quân sự độc quyền mới ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chẳng hạn như Thỏa thuận quốc phòng ba bên (AUKUS) giữa Úc, Anh và Mỹ; hay Tứ giác an ninh (QUAD) giữa Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ. Đáp lại, Trung Quốc đã nhắc lại rằng việc tăng cường quân sự như vậy chỉ có thể "làm trầm trọng thêm căng thẳng trong khu vực".