Theo báo cáo SIPRI năm 2022, Ai Cập là nhà nhập khẩu vũ khí lớn thứ sáu thế giới, chiếm 4,5% lượng vũ khí nhập khẩu toàn cầu từ năm 2018-2022, trong đó Nga cung cấp 34% lượng mua.
Nhưng Nga không phải lúc nào cũng là nhà cung cấp vũ khí ưa thích của Ai Cập. Trang Defense News lưu ý vào tháng 5/2021 rằng trước cuộc đảo chính ở Ai Cập năm 2013, trong đó Bộ trưởng Quốc phòng lúc bấy giờ là Abdel-Fattah el-Sissi phế truất Tổng thống Mohammed Morsi, Mỹ chiếm 47% lượng vũ khí nhập khẩu của Ai Cập .
Tuy nhiên, sau cuộc đảo chính năm 2013, chính quyền Tổng thống Obama đã đóng băng việc bán máy bay, xe tăng và tên lửa cho Cairo trong 2 năm cho đến khi quan hệ được cải thiện.
Do tình trạng đóng băng đó, Ai Cập đã cố gắng đa dạng hóa các nhà cung cấp vũ khí nhập khẩu của mình bằng cách mua số lượng lớn vũ khí từ Nga và Pháp.
Tuy nhiên, mối đe dọa trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga liên quan đến xung đột Ukraine đã buộc Ai Cập phải hủy bỏ kế hoạch mua 24 máy bay chiến đấu Su-35. Cairo phải tìm kiếm các lựa chọn thay thế từ Trung Quốc.
Trên tờ Forbes, chuyên gia Sebastien Robin đánh giá rằng các máy bay phản lực hàng đầu của Trung Quốc, như J-10C, có thể đã vượt qua những gì tốt nhất mà Nga có thể cung cấp. Ông Robin cho biết Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng vị trí dẫn đầu về mặt kỹ thuật so với Nga trong việc phát triển máy bay chiến đấu, trong khi lĩnh vực hàng không vũ trụ của Nga gặp bất lợi do những hạn chế về cơ cấu và ngân sách.
Ông Robin lưu ý rằng Su-35 của Nga có radar mảng pha quét điện tử thụ động (PESA), kém hơn so với radar AESA trên J-10C và các máy bay chiến đấu hiện đại khác của Trung Quốc. Ông cũng nói rằng Trung Quốc đã cải thiện công nghệ động cơ phản lực nội địa và có tên lửa vượt trội, công nghệ tàng hình hoàn thiện hơn và tích hợp vũ khí dẫn đường chính xác tốt hơn so với Nga.
Chuyên gia Mihir Kaulgud thì lưu ý trong một bài báo đăng tháng 5/2022 cho Quỹ Usanas Foundation rằng Trung Quốc muốn trở thành một cường quốc ở Trung Đông.
Phi công Saudi Arabia điều khiển máy bay F-16 của Mỹ. Ảnh: Asiatimes
Ông Kaulgud nói rằng xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc sang Trung Đông cho thấy nỗ lực thiết lập “sự hiện diện mềm” trong khu vực, thể hiện qua việc nước này sẵn sàng bán vũ khí tiên tiến với giá cả phải chăng cho các nước thân thiện mà không có ràng buộc chính trị.
Việc bán vũ khí rõ ràng liên quan đến các quyết định ở cấp cao nhất của chính phủ và do đó thiết lập các mối liên kết chuyên nghiệp thông qua đào tạo và huấn luyện với quốc gia bán vũ khí, khiến họ trở thành tâm điểm hợp tác chiến lược lý tưởng cho Trung Quốc.
Chuyên gia Kaulgud cũng tuyên bố rằng Trung Quốc đang mở rộng các mối quan hệ và mạng lưới trong khu vực nhưng không khiêu khích Mỹ. Những thương vụ đó có thể khiến các quốc gia Arab trước đây liên kết với Mỹ giờ đây coi Trung Quốc như một đối tác an ninh thay thế, với việc Bắc Kinh có khả năng tạo ra các thỏa thuận an ninh khu vực mới và thậm chí đóng vai trò mạnh mẽ hơn trong chính trị nội bộ Trung Đông.
Ông nói rằng mặc dù xuất khẩu vũ khí đang là cơ sở cho cam kết an ninh của Trung Quốc ở Trung Đông, nhưng chúng cũng có thể đóng vai trò là bàn đạp cho sự hiện diện quân sự và an ninh rộng lớn hơn của nước này ở khu vực.