Trung Quốc là nền kinh tế lớn cuối cùng trên thế giới gỡ bỏ các hạn chế về đại dịch Covid-19.
Giống như các quốc gia khác, Trung Quốc đã tìm cách chống lại các tác động kinh tế tiêu cực của dịch bệnh bằng cách duy trì chính sách tiền tệ và tài khóa phù hợp.
Tuy nhiên, kích thích tài chính của Bắc Kinh chủ yếu được dùng cho các lĩnh vực như chi tiêu cơ sở hạ tầng và doanh nghiệp dưới hình thức giảm thuế, cắt giảm các khoản thanh toán an sinh xã hội bắt buộc đối với tiền lương và các biện pháp khác nhằm ngăn chặn tình trạng thất nghiệp.
Mỹ và các nước phương Tây cũng phải chịu những hạn chế từ phía nguồn cung khi mọi người rời bỏ lực lượng lao động và chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Ở Trung Quốc - nơi được gọi là công xưởng của thế giới - sẽ gặp ít vấn đề về chuỗi cung ứng hơn. Công dân Trung Quốc được yêu cầu ở nhà lâu hơn và nhiều doanh nghiệp đóng cửa dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Biến động kể trên cũng làm ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa, khiến giá sản xuất giảm.
Đồng thời, nhiều khu vực gặp khó khăn trong vấn đề nợ nần. Các công ty tư nhân bị dư thừa công suất sản xuất và do cảm nhận được nhu cầu đang giảm xuống của người tiêu dùng, họ không sẵn sàng đầu tư.
Các nhà phân tích cho biết, mối nguy hiểm đối với các nhà hoạch định chính sách là khả năng xu hướng giảm phát ăn sâu vào kỳ vọng của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Các công ty sẽ tiếp tục trì hoãn đầu tư khi lợi nhuận dần đi xuống, trong khi người tiêu dùng sẽ chi tiêu ít hơn do lo lắng về an ninh việc làm và giá bất động sản tiếp tục giảm.
FT cho biết, có bằng chứng cho thấy lĩnh vực bất động sản sau khi ổn định vào đầu năm lại đang trên đà đi xuống. Các nhà kinh tế cảnh báo về khả năng giá tiêu dùng yếu hơn nữa.
Giá thực phẩm cũng không ổn định: chẳng hạn như giá thịt lợn giảm đã ảnh hưởng đến giá tiêu dùng trong tháng 6 do nguồn cung mạnh còn nhu cầu lại yếu.
Các nhà kinh tế tin rằng Trung Quốc cần đẩy nhanh và mạnh hơn nữa các gói hỗ trợ để kích thích tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế.