Với độ tuổi trung bình là 39, đây là phi hành đoàn trẻ nhất trong các sứ mệnh trạm vũ trụ của Trung Quốc cho đến nay. Trong đó, chỉ huy Thang Hồng Ba là người đầu tiên quay trở lại trạm vũ trụ với khoảng thời gian ngắn nhất giữa các nhiệm vụ bay vào không gian của các phi hành đoàn.
Theo kế hoạch do Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA) thông báo ngày 25/10, tàu Thần Châu-17 dự kiến sẽ cập bến mô-đun lõi Thiên Hòa của trạm vũ trụ khoảng 6,5 giờ sau khi cất cánh. Ông Lâm Tây Cường (Lin Xiqiang), người phát ngôn của CMSA, cho biết phi hành đoàn Thần Châu-17 dự kiến sẽ ở lại và hoạt động trong không gian đến khoảng tháng 4/2024.
Ông cho biết thêm, trong tương lai, Trung Quốc sẽ phóng tàu chở hàng Thiên Châu-7, nhằm cung cấp vật tư cho phi hành đoàn Thần Châu-17 và 18. Ngoài ra, nước này cũng có kế hoạch phóng thêm mô-đun để đưa cấu hình cơ bản của trạm vũ trụ từ hình chữ “T” hiện nay sang hình chữ “chữ Thập”.
Ông cũng gửi lời mời bay lên trạm vũ trụ Thiên Cung tới các nước trên thế giới: “Chúng tôi đã chuẩn bị và sẵn sàng mời các phi hành gia nước ngoài tham gia sứ mệnh trạm vũ trụ của Trung Quốc. Nhân cơ hội này, chúng tôi xin gửi lời mời đến toàn thế giới, hoan nghênh tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ cam kết sử dụng không gian một cách hòa bình triển khai hợp tác với chúng tôi và cùng tham gia sứ mệnh bay lên trạm vũ trụ của Trung Quốc.”
Được biết, Thần Châu-17 là chuyến bay thứ 6 có phi hành đoàn đến trạm vũ trụ Thiên Cung và là sứ mệnh thứ 2 kể từ khi trạm này bước vào giai đoạn phát triển và ứng dụng cuối năm 2022. Mục tiêu của sứ mệnh này là hoàn thành việc luân chuyển với phi hành đoàn Thần Châu-16 và lưu trú trên quỹ đạo khoảng 6 tháng.
Trong giai đoạn này, phi hành đoàn sẽ tham gia các thử nghiệm trên quỹ đạo về tải trọng ứng dụng và khoa học vũ trụ, đi bộ ngoài không gian, thực hiện việc lắp đặt các tải trọng ngoài tàu và bảo trì sửa chữa trạm vũ trụ.
Theo CMSA, sứ mệnh Thần Châu-17 thể hiện một bước tiến lớn trong việc nâng cao khả năng sinh tồn lâu dài và vận hành hiệu quả của trạm vũ trụ Trung Quốc. Sự thành công của sứ mệnh sẽ đánh dấu một cột mốc mới trong nỗ lực khám phá không gian của Trung Quốc.