Lương Yến Nhi (lớp 12C1) là một trong những học sinh được nhà trường khen thưởng vì đạt điểm cao trong đợt thi thử tốt nghiệp THPT gần nhất. Em đạt trên 27 điểm khối C (Văn, Sử, Địa) và duy trì phong độ so với các lần thi trước. Tuy nhiên, nữ sinh này chia sẻ em vẫn lo lắng với môn Tiếng Anh và Toán. Thời gian tới, ngoài tập trung chính cho 3 môn khối C, em sẽ dành thời gian để rèn luyện thêm các môn thi tốt nghiệp còn lại, đặc biệt là Tiếng Anh để cải thiện điểm số của mình hơn nữa.
Học sinh dân tộc có ý thức tự học cao và quyết tâm, nỗ lực để đạt kết quả tốt tại kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Hồ Lài. |
Việc khen thưởng học sinh đạt điểm cao trong bài thi giữa kỳ, hoặc thi thử tốt nghiệp THPT cũng là cách nhà trường khích lệ, tạo động lực và phong trào thi đua cho học sinh. Những năm qua, chất lượng giáo dục toàn diện của Trường Phổ thông DTNT số 2 tỉnh Nghệ An ngày càng được khẳng định, đặc biệt kết quả thi tốt nghiệp THPT xếp tốp đầu của tỉnh Nghệ An. Trong khi đó, đầu vào hàng năm của trường vẫn nằm ở mức thấp so với nhiều trường THPT trên toàn tỉnh.
Theo cô Trương Thị Thanh Thủy – Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, học sinh dân tộc thiểu số đến từ các bản làng xa xôi, đặc biệt khó khăn nên điều kiện kinh tế gia đình cũng như nhận thức, hiểu biết xã hội của bản thân các em còn nhiều hạn chế. Vì vậy, ngay từ đầu năm lớp 10, nhà trường đã tổ chức khảo sát rất kỹ lưỡng để chia lớp, định hướng cho học sinh. Khi hoàn thành xếp lớp, thì nhà trường phân công giáo viên phụ trách phù hợp với đặc điểm từng lớp.
Thông thường giáo viên chủ nhiệm và các môn thi tốt nghiệp THPT sẽ không thay đổi trong suốt 3 năm THPT. Đồng thời nhà trường cũng giao chất lượng của khóa học đó cho giáo viên chịu trách nhiệm. Việc giao chất lượng của khóa học cho giáo viên vừa là áp lực nhưng cũng là động lực để các thầy cô giáo nỗ lực, sáng tạo, trách nhiệm và tâm huyết với học sinh của mình.
Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 Nghệ An khen thưởng học sinh lớp 12 đạt kết quả cao tại các đợt thi giữa kỳ, thi thử tốt nghiệp THPT. Ảnh: Hồ Lài. |
Hiện phần lớn học sinh đều xác định sẽ đăng ký xét tuyển vào đại học. Về phía nhà trường cũng thường xuyên tổ chức tư vấn, hướng nghiệp. Trong đó đưa ra các tiêu chí quan trọng như: xem xét hoàn cảnh gia đình để định hướng vào trường không phải đóng học phí nhiều; thực lực của học sinh với số điểm của các lần thi thử; đam mê, sở thích của từng em… Qua đó giúp định hướng đầu ra cho học sinh phù hợp. Ngoài các ngành nghề truyền thống như sư phạm, an ninh, quân đội… thì nhiều học sinh đã hướng đến các ngành mới, công nghệ hoặc liên kết trao đổi sinh viên với nước ngoài.
Cô Trương Thị Thanh Thủy cho biết thêm, có một “ưu thế” về phía học sinh là khi các em từ vùng núi cao xuống nội trú, tâm lý đều muốn thoát ly khỏi cuộc sống khó khăn. Từ đó mà cố gắng học tập tốt, mục tiêu sau này có nghề nghiệp cho bản thân và quay lại giúp gia đình, bản làng. Đó cũng chính là động lực lớn nhất của học sinh để nhà trường, giáo viên khích lệ, khơi dậy quyết tâm đạt được mục tiêu cho các em.