"Trường em thay áo mới" tại quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ngọc Trang | 27/07/2022, 18:10
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh liệt sỹ, tại quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tâm tình nguyện quốc gia - Trung ương Đoàn, Quỹ Hy vọng phối hợp tổ chức Lễ bàn giao “Trường em thay áo mới” tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Thay áo mới – đón năm học mới

Chương trình “Trường em thay áo mới” do Trung tâm tình nguyện quốc gia – Trung ương Đoàn, Quỹ Hy vọng phối hợp triển khai phát động vào ngày 12 tháng 7 năm 2022 với mục tiêu tạo diện mạo mới cho ít nhất 35 ngôi trường đã xuống cấp thông qua việc sửa chữa, sơn mới trên địa bàn huyện Lệ Thủy.

Chương trình có sự tài trợ của Tập đoàn FPT, Quỹ Người FPT vì cộng đồng và sự đồng hành của Công ty Nippon Paint Việt Nam, các cấp bộ Đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh Quảng Bình.

img_7015.jpg


Để triển khai hoạt động, Tỉnh Đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh đã chỉ đạo thành lập 23 đội hình thanh niên tình nguyện tại địa bàn với hơn 300 đoàn viên, hội viên tham gia. Các đội hình có nhiệm vụ dọn dẹp, cạo sủi làm sạch bề mặt tường, sơn tường, phối hợp với các đơn vị triển khai các hạng mục kịp tiến độ đề ra…

Tại trường THCS Phong Thuỷ, xã Phong Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình, Ban tổ chức đã tổ chức Lễ bàn giao các công trình cho nhà trường và đây là một trong 35 ngôi trường sẽ được hoàn thiện để đưa vào sử dụng. Được biết, trường THCS Phong Thủy có 16 phòng học đã khoác lên mình chiếc áo mới vàng tươi và những cánh cửa màu xanh hy vọng, tổng diện tích sơn sửa gần 7.500m2, phục vụ 450 thầy cô và học sinh.

Thầy Lê Đình Lý, Hiệu trường trường THCS Phong Thủy cho biết: “Phong Thủy là một trong rốn lũ của trận lũ lịch sử năm 2020. Trường đã bị ngập sâu trong nước, chính vì vậy các phòng học và trang thiết bị học tập bị hư hại nặng nề. Hàng năm, huyện chia sẻ phần kinh phí cho nhà trường để đầu tư cải tạo hoặc sửa chữa, trang bị thêm đồ dùng phục vụ cho việc học của học sinh, chúng tôi vận động thêm bà con dân bản để tạo dựng khuôn viên nhà trường, thay viên ngói, sửa cánh cửa nào hỏng hóc và quét dọn thật sạch sẽ để đón học sinh vào năm học mới".

Cũng theo thầy Lý, năm nay, các em học sinh sẽ rất vui mừng, hạnh phúc khi bước vào năm học mới với một ngôi trường có diện mạo "mới toanh". Trong một thời gian rất ngắn nhưng nhà trường được các mạnh thường quân, các bạn thanh niên tình nguyện sửa chữa, sơn lại trường học tạo nên một diện mạo mới cho ngôi trường các em học tập.

Ngay từ sáng sớm, em Nguyễn Trần Bảo Trâm, học lớp 82 trường THCS Phong Thủy chia sẻ: Em được các thầy, cô thông báo buổi sáng hôm nay đến dự buổi Lễ bàn giao của trường. “Em thấy rất háo hức vì hôm nay trường em được khoác trên mình màu áo mới. Em xin hứa sẽ cố gắng học tập tốt…”, Bảo Trâm nói.

Tạo môi trường học tập và giảng dạy tốt hơn

Anh Nguyễn Duy Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia – Trung ương Đoàn cho biết: “Trong đợt bàn giao này, ngoài trường THCS Phong Thủy, Ban tổ chức cũng tiến hành bàn giao và đưa vào sử dụng 4 công trình nữa để sẵn sàng phục vụ các em học sinh trong năm học mới gồm trường Tiểu học Mỹ Thuỷ, trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Ngân Thuỷ, trường TH&THCS số 2 Trường Thuỷ, trường TH&THCS số 2 Ngư Thuỷ, với tổng số 70 phòng học đã sơn mới, tương đương 27.000 m2.

Trong thời gian qua, Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo thành lập 23 đội hình thanh niên tình nguyện tại địa bàn với hơn 300 đoàn viên, hội viên tham gia. Các đội hình có nhiệm vụ dọn dẹp, cạo sủi làm sạch bề mặt tường, sơn tường,… Theo kế hoạch, 30 ngôi trường còn lại sẽ được các đội hình thanh niên tình nguyện cùng các đơn vị triển khai và hoàn thành trong tháng 8 để kịp đón các em vào dịp năm học mới”, anh Hưng nói.

“Trường em thay áo mới” là món quà trước thềm năm học mới dành tặng cho 10.500 học sinh và gần 800 giáo viên. Có 372 phòng học, phòng công vụ được sơn sửa cả trong và ngoài với tổng diện tích hơn 105.000m2, trị giá hơn 6 tỷ đồng.

Để chương trình tiếp tục được triển khai tại nhiều điểm trường đang gặp khó khăn và cần sơn sửa lại phòng học. Anh Nguyễn Duy Hưng mong muốn “Trường em thay áo mới” sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ từ các cơ quan, đơn vị và các nhà hảo tâm, doanh nghiệp.

img_7099.jpg

Đặc biệt là sự tham gia trách nhiệm, thiết thực và hiệu quả của các đội hình thanh niên tình nguyện để các em học sinh có một môi trường học tập tốt hơn, an tâm đến trường tìm con chữ và mỗi ngày đến trường là một ngày vui đối với các em…

Chia sẻ tại lễ bàn giao, bà Trương Thanh Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hy Vọng cho biết “Với chúng tôi, có lẽ không có điều gì hân hoan và hạnh phúc hơn khi có thể mang nụ cười đến các em nhỏ ở vùng khó khăn như huyện Lệ Thuỷ, nơi thường xuyên chịu tác động của lũ lụt, thiên tai; giúp các em tiếp cận cơ hội giáo dục tốt hơn, từ đó phát triển tri thức bền vững, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa nông thôn và thành thị. Chúng tôi mong rằng chương trình Trường em thay áo mới sẽ tạo niềm vui, sự hào hứng và môi trường an toàn, đảm bảo sức khỏe cho các em học sinh khi vào năm học mới”.

img_7052.jpg


Nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh liệt sỹ thiêng liêng, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia đã trao 50 suất quà cho 50 gia đình thương bệnh binh, gia đình có công với cách mạng; trao 10 suất học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập trên địa bàn huyện Lệ Thủy. Tổng trị giá 30 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Tập đoàn FPT và Quỹ Người FPT vì cộng đồng trao tặng 15 máy tính và 5 tủ sách, 1500 phần quà cho các em học sinh tại 5 trường khó khăn tại huyện Lệ Thuỷ, tổng trị giá hơn 500 triệu.

Chương trình “Thay áo mới trường em" được triển khai tại các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Trong đó, ưu tiên triển khai tại các trường học xuống cấp, với phòng học, phòng chức năng có các mảng tường bị ẩm mốc, bong tróc, làm mất mỹ quan sư phạm, ảnh hưởng không tốt đến vệ sinh và an toàn của học sinh.

Được biết, toàn huyện Lệ Thủy có 85 đơn vị trường học. Trận lũ lịch sử năm 2020 khiến 70% trong số đó bị ngập, ảnh hưởng cơ sở vật chất, tiến độ chương trình. Sau mỗi trận lũ, tường ẩm, trang trí không đẹp, khiến môi trường, cảnh quan sư phạm xấu đi, trang thiết bị phục vụ dạy và học bị xuống cấp.

Hai năm sau trận lũ lịch sử đó, nhiều ngôi trường vẫn còn thương tích. Theo thống kê, toàn huyện có hơn 300 phòng học cần sơn sửa. Với nguồn thu ngân sách toàn huyện 380 tỷ đồng năm ngoái, việc dành kinh phí sơn sửa lại các trường học với chúng tôi là khá khó khăn.

Bài liên quan
Thầy giáo 8X mang “hơi thở cuộc sống” vào Toán học
Đam mê Toán và muốn truyền đam mê đó đến học trò, thầy Phạm Văn Quang, Trưởng ban Toán, Trường Phổ thông Dewey đã bằng phương pháp dạy học sáng tạo, giúp toán học mang “hơi thở cuộc sống”, từ đó khiến học sinh hứng thú với môn học vốn được cho là khô khan này.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
"Trường em thay áo mới" tại quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp