Một nguyên nhân khiến các trường tư thục khó tuyển sinh là sự phát triển của các trường công lập. Trước đây, khu phố của ông Zheng chỉ có một trường công lập với mức tuyển sinh 1.000 trẻ. Nhưng hiện nay, toàn khu phố có 3 trường công lập với sức chứa tổng cộng 3.600 trẻ.
"Điều này khiến các trường tư thục khó tuyển sinh hơn. Nếu muốn tuyển được học sinh, nhân viên phải phát tờ rơi mỗi ngày. Những người điều hành trường mẫu giáo đầu tư hàng triệu nhân dân tệ, họ buộc phải duy trì hoạt động với lợi nhuận thấp", Hiệu trưởng Zheng nói.
Trước đây, Trung Quốc từng áp dụng chính sách hỗ trợ sinh đẻ và hủy bỏ chính sách một con. Điều này đã gây ra sự bùng nổ trẻ sơ sinh trong giai đoạn ngắn từ năm 2012-2016. Đến năm 2017, số trẻ sơ sinh đạt mức cao nhất là 17,23 triệu. Nhưng kể từ đó, mức sinh lại giảm mạnh. Năm 2022, Trung Quốc chỉ còn khoảng 9,6 triệu ca sinh con, tức là đã giảm gần một nửa so với 5 năm trước.
Bên cạnh việc dân số giảm, các chuyên gia giáo dục mầm non cho rằng việc mở rộng trường mầm non không cân đối trong vài năm qua cũng là nguyên nhân chính gây ra tình trạng thừa trường, thiếu trẻ như hiện nay.
Giai đoạn trước, để đối phó với tình trạng bùng nổ trẻ sơ sinh vào năm 2012-2016, các trường mẫu giáo công lập và tư thục mọc lên như nấm. Ước tính chỉ sau 10 năm, số lượng trường mầm non đã tăng gấp đôi, từ 128.000 trường trong năm 2011 lên đến 295.000 trường vào năm 2021. Thông tin này được Bộ Giáo dục Trung Quốc công bố vào tháng 4/2022.
Bàn về vấn đề này, ông Wang Haiying, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Mầm non thuộc Đại học Sư phạm Nam Kinh, cho rằng các nhà chức trách nên xây dựng hệ thống cảnh báo sớm ở lứa tuổi mẫu giáo để dự đoán những thay đổi trong nguồn lực giáo dục và cải thiện khả năng phục hồi trong việc phân bổ nhân lực để tránh rủi ro.
Giáo sư Qiao Jinzhong tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh cũng cảnh báo rằng tỷ lệ sinh giảm như hiện nay đang ảnh hưởng đến các trường mẫu giáo. Trong tương lai, vấn đề này có thể tác động đến bậc tiểu học, trung học cơ sở và cả đại học.