Chưa biết trả lời con bé ra sao thì tiếng chuông điện thoại réo vang. Bố Hạnh vội vã chạy lại như cố để lẩn tránh câu hỏi đầy bất ngờ ấy của con.
- A lô...
- Anh cho tôi gặp con Hạnh!
- Nó vẫn sốt, cô về nhà ngay!
- Nó sốt mà anh cũng phải gọi tôi à? Chẳng lẽ nó không phải là con anh?
- Cô im đi! Thế cô đi đâu suốt mấy ngày hôm nay? Cô đúng là một người mẹ nhẫn tâm, một người đàn bà đốn mạt...
- Cái gì? Anh bảo ai đốn mạt? Anh bảo ai nhẫn tâm! Vâng, tôi đốn mạt, tôi nhẫn tâm, thế còn anh, anh là gì trong cái nhà này, hay chỉ là một gã đàn ông suốt ngày sống bám vào cái đốn mạt và nhẫn tâm ấy?
- Trời ạ!
Sau tiếng rít ấy là tiếng đặt máy điện thoại nghe đánh “rầm”, rồi tiếng chiếc cốc thủy tinh rơi từ bàn điện thoại xuống vỡ choang. Cái Hạnh thu mình vào tấm chăn mỏng. Vẻ sợ sệt, nó ngồi nép sát vào tường. Lại thêm một lần nữa tâm hồn non nớt của nó bị tổn thương...
***
Mới bước vào Hè, nắng chưa tới mức chói chang gay gắt mà sao bà Ngọ cảm thấy ngột ngạt vô cùng. Tại hội nghị phụ huynh cuối năm học bà cảm thấy sốt ruột khi kết quả học tập của tất cả học sinh trong lớp được thầy chủ nhiệm thông báo chỉ trừ riêng của cái Hạnh con bà.
Sau buổi họp ấy, mẹ Hạnh được thầy Bằng mời ở lại để làm việc tại văn phòng nhà trường. Thầy Bằng chủ động vào vấn đề.
- Thế này chị Ngọ ạ, cháu Hạnh là một học sinh giỏi của lớp, ngày mới nhận lớp tôi thấy cháu hồn nhiên, vui vẻ và tham gia nhiệt tình mọi công việc của lớp. Nhưng về sau cháu có vẻ trầm tính, ít gần gũi với bạn bè và thầy cô hơn.
Tôi đã gặp riêng và hỏi han nhưng cháu không nói, tôi lại cứ nghĩ giữa cháu và các bạn trong lớp có khúc mắc gì đó chuyện trẻ con rồi sẽ vụt qua nên tôi không tìm hiểu kỹ hơn. Đây cũng là một phần lỗi của giáo viên chủ nhiệm như tôi...
Ảnh minh họa: ITN. |
Thầy Bằng đưa mắt nhìn thẳng vào mắt bà Ngọ thăm dò, bà Ngọ vẫn ngồi im với vẻ kiên nhẫn. Thầy Bằng lại tiếp:
- Tôi không nghĩ hoàn cảnh gia đình của cháu lại éo le như vậy đâu. Về bài tập làm văn cháu Hạnh nộp giấy trắng mà tôi đã gọi điện thoại nói chuyện với chị đấy, theo tôi chính sự trục trặc của anh chị là nguyên nhân để cháu Hạnh không thể viết thành văn được.
Hạnh phúc gia đình đang trên đà đổ vỡ, bố mẹ cãi nhau liên miên lại đòi ly dị thì làm sao cháu có thể viết được thành bài văn “Tả cảnh sum họp của gia đình em vào một buổi tối” phải không chị? Do bị buộc phải làm lại bài văn, cho tới mãi sau này tôi mới hiểu được điều đó qua bài viết rất dài của cháu. Thú thực, tôi không ngờ sự thể lại đi xa đến mức ấy đâu chị Ngọ ạ. Đây, bài văn viết lại của cháu đây, chị xem!
Ngồi trầm ngâm một hồi lâu đọc bài văn viết lại của đứa con gái, nét mặt bà Ngọ biến sắc dần. Những hàng chữ của đứa con gái thân yêu cứ hiện ra rồi lại nhòa đi trước mắt bà, cuối cùng bà chỉ thốt lên một tiếng “Trời!”. Hai giọt nước mắt lăn dài trên hai gò má.
Văn phòng nhà trường nhỏ thôi mà sao bà Ngọ cảm thấy nó rộng thế. Ngoài kia gió vi vút thổi hòa với tiếng ve mà sao bà vẫn cảm thấy không gian như vắng lặng và chùng xuống, bà cảm thấy chơi vơi hụt hẫng và cô đơn hơn bao giờ hết, lòng bà như nặng trĩu trước không gian đầy sự sống ấy. Bà đang lặng yên nghĩ ngợi thì thầy Bằng tiếp tục:
- Sang đến nửa cuối học kỳ II, lực học của cháu Hạnh sa sút thực sự chị ạ. Tôi có trao đổi với bố cháu về việc này nhưng tình hình hình như không cải thiện, vì theo bố cháu thì cháu đang thiếu vắng sự chăm sóc từ bàn tay người mẹ. Tôi nói chị đừng giận, anh chị hãy cùng nhau nghĩ lại đi. Đà này nếu còn tiếp diễn, tôi e rằng sang năm cháu không thể theo nổi đâu!
- Lại đến mức ấy kia à! Là mẹ của nó, tôi biết cháu rất có tố chất nên cũng chủ quan, ít dành thời gian quan tâm đến việc học hành của cháu. Với cả cũng tại việc cơ quan nhiều quá thầy ạ! Nhưng còn bố cháu, thế mà tôi cứ tưởng bố cháu đã không làm tròn trách nhiệm của một người cha.
- Thế nên tôi mới gọi trực tiếp cho chị để mời chị đến dự cuộc họp này và có thời gian để nhìn lại vấn đề một cách toàn diện hơn!
- Vâng, bây giờ thì tôi đã hiểu và thấy rằng mình cần phải làm gì! Cảm ơn thầy chủ nhiệm rất nhiều!
***
Mưa. Lại một trận mưa rào xối xả bất ngờ ập tới. Cơn mưa như giội rửa tất cả những bụi bẩn lâu ngày trên các vòm cây kẽ lá. Chỉ có điều dưới mưa lần này không phải là cái Hạnh mà chính là mẹ của nó.
Bài văn viết lại của đứa con gái như một mũi kim xuyên thẳng vào ngực, bà Ngọ cảm thấy trong lồng ngực mình như có vật gì đang chạm vào, đau nhói. Bà cũng muốn một mình dưới mưa để gột rửa tất cả những bụi bặm của lòng mình...
Mưa to là thế nhưng không lâu. Dưới bầu trời đang quang dần, bà Ngọ phóng xe máy như bay về phía trước, nơi cuối con đường có mái ấm gia đình đầy đủ tiện nghi mà người chồng khắc khổ và đứa con gái tội nghiệp của bà đang sống. Tất cả, tất cả hiện về trong bà đều đầy ắp nỗi yêu thương...
(Bắc Giang, tháng 7 năm 1998)