Những thông báo mà họ nhận được từ các trường học hoặc cơ quan của họ - mà phóng viên Al Jazeera đã được xem - trích dẫn các bài đăng trên mạng xã hội và cáo buộc "ủng hộ khủng bố" là lý do họ bị đình chỉ học tập và công tác ngay lập tức cho đến khi vấn đề được điều tra. Trong một số trường hợp, người nhận thông báo đã được triệu tập để trình diện trước ủy ban kỷ luật.
Hassan Jabareen - Giám đốc Adalah, Trung tâm pháp lý về quyền của người thiểu số Ả Rập ở Israel - nói: "Những người đã làm việc trong ba, bốn, năm năm bỗng thấy mình nhận được thư nói rằng đừng đến làm việc vì những gì đã đăng."
Trong một số trường hợp, "họ nói rằng các phiên điều trần sẽ được tổ chức vào một ngày sau đó, nhưng họ không [nói rõ] khi nào. Buổi điều trần nên được tổ chức trước khi quyết định được ban hành", ông nói.
Theo Adalah, ít nhất một chục người lao động đã bị đình chỉ công việc kể từ hôm 7/10, chủ yếu là do các bài đăng trên mạng xã hội. Trung tâm này cũng nhận được đơn khiếu nại từ khoảng 40 sinh viên Palestine tại các trường đại học và cao đẳng Israel, những người đã nhận được thông báo trục xuất hoặc đình chỉ học tập từ cơ sở giáo dục của họ.
Wehbe Badarni – Chủ tịch Công đoàn Ả Rập ở thành phố Nazareth phía bắc Israel - cũng nói với Al Jazeera rằng, công đoàn đang xử lý hơn 35 đơn khiếu nại, bao gồm cả sinh viên cũng như người lao động trong bệnh viện, khách sạn, trạm xăng và nhà hàng...
Trong một lá thư mà phóng viên Al Jazeera được xem, một công ty đã triệu tập một nhân viên tham dự một buổi điều trần qua điện thoại để "xem xét khả năng chấm dứt hợp đồng với công ty" vì "các bài đăng ủng hộ hoạt động và kích động khủng bố".
Salam Irsheid - luật sư của trung tâm Adalah - cho biết: "Kích động khủng bố là một cáo buộc nghiêm trọng cần phải được chứng minh trước tòa. Theo quan điểm của chúng tôi, những gì đang xảy ra hiện nay là không hợp pháp."
Những chiếc ô tô ở Ashkelon, miền nam Israel, bốc cháy sau một cuộc tấn công bằng tên lửa từ Dải Gaza vào ngày 7/10. Ảnh: AFP
'Bầu không khí khủng bố'
Một nhân viên y tế khác mà phóng viên Al Jazeera đã trò chuyện ở Tel Aviv cho biết, anh ấy đang làm mọi thứ có thể để giữ kín danh tính vì sợ bị trả thù. Anh nói với Al Jazeera: "Tôi phải đối mặt với những khuôn mặt gắt gỏng và giận dữ mỗi sáng vì tôi là người Palestine duy nhất làm việc ở đó."
"Tôi thực sự không thể bày tỏ hay nói về những gì đang diễn ra. Kể từ cuộc chiến cuối cùng [vào năm 2021] mọi người đều giữ thái độ khiêm tốn", anh nói.
Theo Tiến sĩ Lina Qassem Hasan - Chủ tịch hội đồng Các bác sĩ vì Nhân quyền Israel - một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập cách đây hơn 30 năm ở Jaffa (Israel), tổ chức này đã phải xử lý một số trường hợp đình chỉ công tác của nhân viên y tế kể từ năm 2021, sau cuộc chiến cuối cùng giữa Hamas và Israel.
Trong một trường hợp, Ahmad Mahajna - bác sĩ tại bệnh viện Hadassah ở Jerusalem - đã bị đình chỉ công tác vì đưa kẹo cho một thiếu niên Palestine đang bị cảnh sát canh trừng tại bệnh viện, nơi cậu này đang được điều trị vết thương do đạn bắn sau một vụ cáo buộc tấn công.
Tiến sĩ Qassem nói với Al Jazeera: "Có một bầu không khí khủng bố, mọi người đều sợ hãi."
Theo Adalah - Trung tâm pháp lý về quyền của người thiểu số Ả Rập ở Israel, các công dân Palestine của Israel trong lịch sử đã phải đối mặt với sự phân biệt đối xử có hệ thống, bao gồm cả việc thiếu đầu tư thường xuyên vào cộng đồng của họ, và có hơn 50 điều luật có thành kiến chống lại họ.
Tuy nhiên, luật sư Sawsan Zaher nói với Al Jazeera rằng: "Sự phân biệt chủng tộc đã gia tăng" hơn nữa. Những gì chúng ta đang thấy bây giờ là điều chúng ta chưa từng thấy trước đây."
Bà nói thêm: "Việc bạn bày tỏ quan điểm của mình, ngay cả khi đó không nhất thiết là sự kích động như trên bộ luật hình sự… giờ đây đã đủ để coi là bày tỏ sự ủng hộ đối với không chỉ Hamas, mà cả người dân Palestine".
Zaher cho biết, mọi người ngày càng "sợ nói tiếng Ả Rập" ở nơi công cộng.
*Tên nhân vật đã được thay đổi để tránh bị trả thù.