Từ huấn lục của Hoàng thái hậu Từ Dụ có gì đặc biệt?

Trần Hoà | 30/09/2022, 09:12
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Hoàng thái hậu Từ Dụ được đánh giá có đủ phẩm hạnh để làm gương cho kẻ dưới. Bà nổi tiếng với những lời dạy con qua Từ huấn lục.

Như chuyện bà Từ Dụ kể lại hành trạng của Thừa Thiên Cao Hoàng hậu - tức vợ chúa Nguyễn Ánh thời còn bôn ba chưa lên ngôi: “Thừa Thiên Cao Hoàng hậu ta lúc nhỏ được Cao hoàng đế ta hỏi lấy làm vợ, từng theo bôn ba, từng gặp những khi khó khăn nguy hiểm mà vẫn đối xử với kẻ dưới tốt đẹp. Hễ có tìm được thức ăn thì tự chế biến, trước tiên dâng lên cho nhà vua, sau đó chia ra ban phát hết cho quần thần đi theo.

Từ tướng lãnh cho đến binh sĩ, y phục có bẩn hay rách đều tự thân giặt giũ, may vá cho. Rằng: Họ không có thân thích vợ con, một lòng theo ta, ta có thể không thương xót sao? Cái đức hiền từ kia lớn như vậy. Bởi vậy, quần thần đều xem như mẹ, chẳng thể không yêu kính”.

'Từ huấn lục' của Hoàng thái hậu Từ Dụ có gì đặc biệt? ảnh 3
Ấn Từ Dụ Bác Huệ Thái hoàng Thái hậu chi bảo.

Lại có chỗ chính vua Tự Đức khi đang đề cập đến các bậc tiên đế, ghi luôn cả những chi tiết có tính cách riêng tư mà ngay các bộ sử cũng không có cơ hội chép. Như chi tiết vua Gia Long vốn rất giỏi bơi lội: “Thế Tổ ta rất giỏi bơi lội, mọi người chẳng sánh kịp, khoảng thời trung hưng trở lại nhờ đó mới tránh được họa, sau cùng có thể tái tạo cơ đồ, gian nan quá vậy!”.

Có những chuyện trong cung vua - hai mẹ con bàn chuyện vá lỗ thủng trên mái rui rất giống đời sống thường dân: “Hiên phía Đông chính điện cung Gia Thọ trên mái rui có lỗ hổng, ở đó có nhiều gió lùa vào, ta xin lấy vải bịt lại. Kính vâng lời dạy rằng: Dùng vải cắt xé ra, sau chẳng thể dùng lại, thật phí phạm vô ích. Nên dùng lá chuối khô bịt chỗ đó lại cũng đã kín vậy. Sự tiết kiệm đại để là như vậy”.

“Từ huấn lục” có nhiều chỗ chép chuyện vua đọc sách sử cho mẹ nghe. Nhân đó Hoàng thái hậu ban lời dạy bảo, hoặc đơn giản chỉ là nhận định về các chuyện xưa để làm bài học trị nước. Cái hay là qua đó phát lộ quan điểm chính trị của cả vua và Hoàng thái hậu.

Ở đoạn vua Tự Đức đọc bài sớ của Cao Đường Long nước Ngụy có nói rằng: “Thiên hạ là thiên hạ của thiên hạ, chẳng phải là thiên hạ của bệ hạ đâu”. Và Hoàng thái hậu Từ Dụ dạy rằng: “Thật quả là như thế vậy”.

Vào thời phong kiến, quan điểm đáng xem là trái mệnh phản nghịch, ấy vậy mà bà Từ Dụ dạy con “điều đó đúng” - là một chi tiết quan trọng để hậu thế đánh giá tư duy cấp tiến của vua cũng như bà Từ Dụ.

Trải 10 đời vua, giúp con hướng thiện

'Từ huấn lục' của Hoàng thái hậu Từ Dụ có gì đặc biệt? ảnh 4
Đám tang của Hoàng thái hậu Từ Dụ, năm 1901. Ảnh tư liệu.

Trong những lần trò chuyện riêng với mẹ, cũng có khi vua Tự Đức đề cập chuyện chính sự nước nhà. Lại có những chi tiết nhỏ nhặt nhưng lại hết sức cảm động - như chuyện vua Tự Đức dâng mẹ đôi mắt kính bằng thủy tinh, lâu ngày cái bao đựng kính bị cũ nên xin đổi, thì mẹ bảo: “Nó chỉ bị mỏng chút ít mà thôi, cũng không can gì. Nay nếu đổi lấy cái mới, dùng lâu cũng sẽ cũ, không bằng để cũ như thế cớ gì mà đổi”. Vua chỉ còn biết ghi: “Sự tiết kiệm của mẹ là như thế”.

Theo đánh giá của giới nghiên cứu, những ghi chép của vua Tự Đức về lời mẹ dạy không chỉ thể hiện hình ảnh của một người con hiếu thảo - mà còn thể hiện sự gắn bó khăng khít giữa nhà vua với thân mẫu. Đồng thời, cũng cho thấy tầm ảnh hưởng rất lớn của Hoàng thái hậu Từ Dụ đối với vua Tự Đức và triều đình nhà Nguyễn giai đoạn nửa cuối thế kỷ 19.

Qua những câu chuyện nhỏ gắn với người mẹ, bản ghi chép của vua Tự Đức phản ánh chân dung của chính mình từ góc độ của một người con có những đam mê, sở thích bình dị như việc bắn chim; hay câu chuyện hết sức đời thường như việc sợ tiếng súng thần công và ngựa, được mẹ cho đốt pháo để tập làm quen với âm thanh.

Những tích truyện trong sử sách và cách xử trí trong đời thường được bà Từ Dụ khéo léo dẫn giải, hướng cho con cách nghĩ, cách suy xét thấu đáo, hướng thiện, diệt ác, chú trọng đề cao đức hạnh, công chính, giữ gìn hiếu lễ, cần kiệm. Từng chút một, những bài học từ thực tế và những lời răn dạy của mẹ được nhà vua ghi nhớ, vận dụng, chiêm nghiệm trong cuộc sống và trong cách ứng xử, cách điều hành công việc.

Số phận đã chọn Hoàng thái hậu Từ Dụ làm nhân chứng lịch sử cho suốt 10 đời vua Nguyễn. Bà sinh ra vào thập kỷ đầu của thế kỷ 19 khi vua Gia Long đang ra sức củng cố triều đại, rồi lại phải chứng kiến những thảm cảnh của dân tộc khi nước mất nhà tan.

Hoàn cảnh lịch sử đã đặt lên vai bà Từ Dụ sứ mệnh của một người phụ nữ kiên cường. Bà đã đóng vai trò không nhỏ trong việc giữ gìn ổn định hậu cung, nêu tấm gương mẫu mực của bậc mẫu nghi thiên hạ trong suốt chặng đường hơn nửa cuộc đời.

Hoàng thái hậu Từ Dụ mất ngày 5/4 năm Tân Sửu (1901). Bà được an táng tại Xương Thọ Lăng, nằm trong quần thể không gian rộng lớn của Xương Lăng (lăng vua Thiệu Trị).

Bài liên quan
Nuôi dạy con cái tại Hàn Quốc đắt đỏ nhất thế giới
Theo nghiên cứu của tổ chức tài chính Jefferies (JEF), Hàn Quốc đứng đầu danh sách 14 quốc gia có chi phí nuôi dạy con cái đắt đỏ nhất thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ huấn lục của Hoàng thái hậu Từ Dụ có gì đặc biệt?