Hỗ trợ nữ sinh làm mẹ để học và nuôi dạy con tốt

Vân Huyền | 28/08/2022, 09:42
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nữ sinh làm mẹ với sự hỗ trợ từ các tổ chức giáo dục đã giúp nhiều học sinh tại Mỹ có thể hoàn thành việc học, trong khi vẫn nuôi dạy con tốt.

Những bà mẹ tuổi teen bị “bỏ rơi”

LaTavia BigBack (17 tuổi) - một nữ sinh trung học tại Mỹ, phát hiện mình mang thai khi vô tình bị tai nạn và phải nhập viện. Ban đầu, BigBack nghĩ mình bị chấn động não. Tuy nhiên, sự thật đã khiến nữ sinh không khỏi bàng hoàng.

Thời gian dài sau đó, cô vẫn khóc khi nhớ lại những biểu hiện của bạn mình. “Tôi cảm thấy xấu hổ và sợ hãi. Bởi vì tôi và các bạn còn quá trẻ”, nữ sinh cho biết. Ban đầu, BigBack đã tính đến chuyện phá thai. Tuy nhiên, người bạn trai 23 tuổi của cô đã biến mất. Trong khi đó, BigBack không có tiền. “Tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc mang thai”, BigBack cho biết.

Khi tin BigBack mang thai lan truyền tại trường học của cô ở Colorado, hàng loạt bình luận và thái độ phán xét không mấy thiện cảm dành cho nữ sinh này. Ngoại trừ một người bạn, tất cả đều quay lưng với BigBack. Khi lớp được giao các dự án, không ai muốn BigBack ở cùng nhóm. Chưa từng là một học sinh giỏi, BigBack ngày càng tụt lại phía sau. Cuối cùng, khi thai nhi được 4 tháng rưỡi, cô đã tâm sự với bố mình.

BigBack ngày càng bị cô lập ở trường. Cô quyết định bỏ học sau đó.

“Nếu có ai động viên, ủng hộ, tôi đã ở lại. Tôi thực sự cảm thấy như cuộc đời mình đã kết thúc”, nữ sinh cho biết. Thay vì đi học, khi mang thai bảy tháng rưỡi, với đôi chân sưng phù và tâm trạng lo lắng, BigBack bắt đầu làm hai công việc bán thời gian. Cô vừa làm phục vụ trong một nhà hàng, vừa trở thành nhân viên thu ngân tại siêu thị.

Câu chuyện của BigBack là tình trạng phổ biến ở Mỹ. Hầu hết các nữ sinh đang mang thai, như BigBack, thường nói về “sự thúc đẩy” khiến họ phải ngừng việc học. Những nữ sinh này có thể được cố vấn hướng dẫn đề nghị chuyển sang học chương trình trực tuyến.

Hoặc, họ bị một giáo viên loại khỏi khóa học danh dự cũng như hoạt động ngoại khóa. Thậm chí, khi họ tố cáo về việc bị quấy rối, nhà trường cũng không có hành động hỗ trợ. Thực tế, một số nhà giáo dục vẫn tin rằng, việc cho trẻ vị thành niên mang thai đi học sẽ khuyến khích các học sinh khác làm vậy. Một phần là bởi, kết quả học tập của những học sinh này rất “ảm đạm”.

Các trường học đã thất bại trong việc hỗ trợ những học sinh này. Wendy Luttrell - giáo sư về giáo dục đô thị tại Trung tâm Sau đại học tại Đại học thành phố New York cho biết, sự gia tăng trong số thanh thiếu niên mang thai và nuôi dạy con là một “dự đoán chung”.

Bà cảnh báo rằng, các trường học cũng chưa chuẩn bị sẵn sàng để hỗ trợ những học sinh này. “Thật đáng báo động. Bởi vì nếu chúng ta không thể làm được điều đó trong 20 năm, thì đâu là nơi để chúng ta có thể giải quyết một vấn đề gia tăng? Tuy nhiên, có dữ liệu cho thấy thanh thiếu niên mang thai có thể được hỗ trợ và chắc chắn có thể đạt được thành công trên con đường giáo dục”, bà Luttrell cho biết.

Chỉ khoảng 1/3 các tiểu bang tại Mỹ bắt buộc trường học cung cấp cho học sinh giáo dục giới tính chính xác về mặt y tế. Như Jennifer Driver - Giám đốc cấp cao về quyền sinh sản của State Innovation Exchange, một tổ chức phi lợi nhuận làm việc với các nhà lập pháp tiểu bang, đã nói: “Đất nước này đã nhiều lần khiến thanh niên không được tiếp cận giáo dục giới tính toàn diện”.

Song, cũng chính những sinh viên này - người không được tiếp cận với thông tin, sẽ phải sống chung với hậu quả. Tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên tại Mỹ đã giảm. Tuy nhiên, đây vẫn là một trong những tỷ lệ cao nhất ở các nước phát triển. Thống kê cho thấy, trong năm 2020, có gần 160.000 người làm mẹ trong độ tuổi từ 15 đến 19.

Nơi đón nhận nữ sinh mang thai

Hỗ trợ nữ sinh... làm mẹ  ảnh 1
Nhờ được hỗ trợ, BigBack hoàn thành trung học và tiếp tục nộp đơn vào đại học.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, chỉ có khoảng một nửa số bà mẹ tuổi teen nhận được bằng tốt nghiệp trung học ở tuổi 22. Trong khi đó, con số này ở những nữ sinh không mang thai là 90%. Theo một báo cáo năm 2006 được công bố bởi Chiến dịch Quốc gia Ngăn ngừa Mang thai ở Tuổi vị thành niên, có ít hơn 2% bà mẹ dưới 18 tuổi hoàn thành đại học.

Giờ đây, các nhà giáo dục và nhân viên phi lợi nhuận làm việc với thanh thiếu niên mang thai đang mong đợi sự gia tăng về số lượng các bà mẹ trẻ họ tiếp cận.

Shauna Edwards là người sáng lập trường trung học Lumen ở Spokane, Washington - nơi phục vụ thanh thiếu niên mang thai và đang nuôi dạy con. Bà Edwards đang chuẩn bị đón nhận “một vài sinh viên nữa” từ Idaho. Đây là một tiểu bang mà việc phá thai được coi là trọng tội.

Trường Lumen cung cấp các lớp học năm ngày một tuần cho khoảng 60 học sinh. Trường đồng thời cung cấp dịch vụ trông trẻ cả ngày. Nhà trường cũng có đội ngũ nhân viên xã hội toàn thời gian, chăm sóc sức khỏe tâm thần và y tế và ngân hàng tài nguyên.

Lisa Steven - người thành lập và điều hành Hope House Colorado, tổ chức có chương trình cư trú và các hỗ trợ khác cho bà mẹ tuổi vị thành niên, cũng đang chuẩn bị tiếp nhận một lượng lớn người nộp đơn. Bà Steven đang trong quá trình mở một chi nhánh của Hope House ở Nashville.

Hope House cung cấp tất cả các loại dịch vụ trọn gói, từ lớp học và tư vấn nuôi dạy con đến chương trình giáo dục và tài chính. Steven - một cựu “teen mom”, cho biết nhân viên của bà đã giúp một số bà mẹ mua căn nhà đầu tiên. Họ cũng cung cấp hỗ trợ pháp lý miễn phí, vì nhiều phụ nữ có các vấn đề về quyền nuôi con và cấp dưỡng với cha của con họ.

Những bà mẹ trẻ này được học cách xin giấy khai sinh cho con và lấy bằng lái xe hoặc thẻ an sinh xã hội. Nhiều người gặp khó khăn khi tham gia lớp học. Vì vậy, tại Hope House, họ được làm việc với các gia sư theo hình thức một kèm một. Bà Steven cho biết, các trường học hầu như không cung cấp chỗ ở cho những học sinh này.

Trong khi đó, các bà mẹ tuổi teen có thể không ngủ suốt đêm vì mới sinh hoặc mắc chứng trầm cảm sau sinh. Hoặc, họ phải cố gắng đến lớp đúng giờ khi đeo ba lô cũng như đẩy một chiếc xe nôi.

Hầu hết thanh thiếu niên mà bà Steven làm việc cùng đều bỏ học ở lớp chín. “Trường học không được tạo ra để cảm thấy như một nơi an toàn cho chúng”, bà Steven nhận định.

Cũng theo bà Steven, kết quả kém của học sinh không phải là tiêu chuẩn. Thực tế, điều quan trọng là trường học nhận ra điểm mạnh của những học sinh này.

“Các bà mẹ ở tuổi vị thành niên vô cùng khích lệ con của họ. Chúng tôi gọi đó là động lực của mẹ. Họ bản lĩnh, là người giỏi giải quyết vấn đề và cực kỳ linh hoạt. Họ sẽ làm bất cứ điều gì để mang lại một cuộc sống tốt hơn cho con họ so với những gì họ đã có. Tuy nhiên, họ không thể làm điều đó nếu không có sự trợ giúp”, bà Steven cho biết. Đôi khi, những trở ngại đó là giao thông, chăm sóc con hoặc các vấn đề sức khỏe. Tuy nhiên, vấn đề chính là môi trường học tập.

Sự hỗ trợ thích hợp

Hỗ trợ nữ sinh... làm mẹ  ảnh 2
Hope House mang lại hy vọng cho những bà mẹ tuổi teen.

Một báo cáo năm 2015 của tổ chức phi lợi nhuận American Civil Liberties Union of California cho thấy, các bà mẹ tuổi teen cảm thấy “bị đẩy ra khỏi trường học” bởi hành vi của các nhà giáo dục. Một nghiên cứu khác của Trung tâm Luật Phụ nữ Quốc gia cho thấy, hơn một nửa số nữ sinh mang thai và đang nuôi con nhỏ cảm thấy rằng, các học sinh khác không muốn họ đến trường.

Trong khi đó, gần 40% cho biết cảm thấy bị phớt lờ bởi giáo viên. Những nữ sinh này cũng thường xuyên phải đối mặt với hành vi quấy rối trong trường học. Điều đó khiến họ cảm thấy trường học không an toàn.

Analidis Ochoa hiện là ứng viên tiến sĩ về công tác xã hội và xã hội học tại Trường Đại học Michigan. Bà từng là trợ giảng tại một trường dành cho các nữ sinh đang mang thai và nuôi dạy con ở khu học chánh Miami-Dade tại Florida.

Bà Ochoa cho biết, sự đánh giá tiêu cực về văn hóa luôn xuất hiện, ngay cả trong một ngôi trường dành riêng cho những học sinh này. Từng làm mẹ khi ở tuổi thiếu niên, bà Ochoa hiểu rõ nỗi khó khăn khi đi học. Vì vậy, bà quyết tâm giúp các học sinh của mình vào đại học.

Trong khi đó, bà Wendy Luttrell cho biết, có sự bất công đối với những sinh viên mang thai. “Có một cách nghĩ về việc mang thai, giống như trái ngược với trí tuệ. Khi bạn không có quyền tiếp cận với tất cả các loại bài tập giống nhau, thì tương lai cũng bị giới hạn ở loại bài học mà bạn có quyền truy cập”, bà Luttrell nhận định.

Những người không có bằng tốt nghiệp trung học có thu nhập thấp hơn, tỷ lệ thất nghiệp cao và phụ thuộc nhiều vào các chương trình dịch vụ xã hội. Đáng lo ngại hơn nữa là con của các bà mẹ tuổi teen có điểm số về sức khỏe, trí tuệ và hành vi thấp hơn bạn cùng lứa có cha mẹ nhiều tuổi.

Nghiên cứu cho thấy, các bà mẹ tuổi teen có nhiều khả năng sinh con nhẹ cân. Những trẻ đó cũng có tỷ lệ cao bị ngược đãi và bỏ rơi. Thậm chí, khi lớn lên, những trẻ này cũng ít có khả năng hoàn thành chương trình trung học. Đồng thời, có nguy cơ trở thành cha mẹ tuổi teen.

Tuy nhiên, với sự hỗ trợ thích hợp, các bà mẹ tuổi teen có thể phát triển mạnh mẽ. BigBack đã nghe nói về Hope House và tham gia các lớp học nuôi dạy con. Khi mang thai một lần nữa, cô chuyển đến khu dân cư của Hope House.

Cô quyết định hoàn thành bằng tốt nghiệp trung học trực tuyến. “Bởi vì, nó không còn là về tôi nữa. Đó thực sự là về các con và tương lai của chúng”, BigBack chia sẻ.

Hiện, BigBack 21 tuổi và có hai con. Cô đã điền đơn đăng ký vào các trường cao đẳng và đại học. Vào mùa thu này, cô sẽ theo học tại Trường Đại học Metropolitan State University of Denver.

Nếu không nhận được sự hỗ trợ, BigBack cho biết, cuộc sống của cô đã rất khác. Thay đổi lớn nhất là cô có thể đã mất quyền nuôi những đứa con thân yêu.

Theo giaoducthoidai.vn
Copy Link
Bài liên quan
Nữ sinh Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chinh phục trường đại học số 1 Châu Á
Cao Thị Hà Phương, sinh viên năm nhất Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vừa giành học bổng của Trường Đại học Quốc gia Singapore - ngôi trường đứng tốp 1 đại học tốt nhất châu Á và tốp 11 trường đại học tốt nhất thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hỗ trợ nữ sinh làm mẹ để học và nuôi dạy con tốt