Từ phù điêu Hộ pháp đến voi đá thành Đồ Bàn

Trần Hoà | 17/02/2023, 09:32
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thành Đồ Bàn - nơi hai lần được chọn làm kinh đô, lại có thêm bảo vật quốc gia là cặp voi đá niên đại nửa sau thế kỷ 12.

Tròn một năm sau khi công nhận hiện vật phát hiện ở phía Tây thành Đồ Bàn, cuối tháng 1/2023 vừa qua - nhóm hiện vật cặp tượng voi đá cũng được ghi danh vào danh sách bảo vật quốc gia. Tuy khác nhau về hình tượng, cách thể hiện… nhưng điểm chung của nhóm bảo vật này đều thuộc về thành Đồ Bàn, thuộc văn hoá Chămpa và cùng niên đại thế kỷ 12.

Theo hồ sơ di tích, tượng voi đực cao 200cm, dài 240cm, rộng 100cm, trọng lượng khoảng 800kg. Tượng đứng trên bệ đá liền khối hình chữ nhật, voi như đang vươn về phía trước với hai chân bên trái đang bước lên, cổ đeo băng trang trí hình ô trám, trong lồng cánh hoa kết dải. Đầu voi ngẩng cao, vòi voi buông xuống.

Từ phù điêu Hộ pháp đến voi đá thành Đồ Bàn ảnh 2
Từ phù điêu Hộ pháp đến voi đá thành Đồ Bàn ảnh 3
Cặp tượng voi đá thành Đồ Bàn. Ảnh: IT

Tượng voi cái cao 176cm, dài 220cm, rộng 85cm, trọng lượng khoảng 750kg. Tượng trong tư thế tĩnh, hai chân sau tạo liền khối với hai chân trước và đế tượng. Tượng được tạo tác đẹp, toát vẻ quyền quý và vương giả.

Hồ sơ cũng khẳng định cặp tượng voi đá này là những tác phẩm thuộc nền điêu khắc Chămpa, được tạo từ chất liệu là đá sa thạch và được xem là hiện vật gốc, độc bản trong phong cách điêu khắc Chămpa thế kỷ 12. Hồ sơ bảo vật cho biết, hiện cặp voi đá thành Đồ Bàn đang lưu giữ tại Khu di tích thành Hoàng Đế thuộc xã Nhơn Hậu (An Nhơn, Bình Định).

Lần giở lịch sử, thành Hoàng Đế còn có tên gọi khác là thành Đồ Bàn (Chà Bàn). Tài liệu của Tổng đốc Bình Phú quan phòng Phan Huy Dũng và Trần Tiến Hối (nhà Nguyễn) mô tả: “Thành Chà Bàn (Đồ Bàn) dựa vào núi Long Cốt để làm thế vững. Thành hình vuông rộng hơn 10 dặm mở bốn cửa. Xây bằng gạch, rào gỗ, tuy không có hào rãnh mà vẫn kiên cố. Trong thành có các thắng cảnh như tháp Tiên Sí, gác Thiên Lan”.

Qua rất nhiều đợt khai quật khảo cổ, các chuyên gia nhận định hai tòa thành của hai vương triều cách nhau hơn 300 năm với hai tên gọi: Đồ Bàn (thời Chămpa) và Hoàng Đế (thời Tây Sơn), cùng giữ vai trò kinh đô trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định.

Dưới thời kinh đô Đồ Bàn - Vijaya, nhiều lần bị chiến tranh tàn phá. Kinh đô liên tục được tu bổ, phục hồi, xây dựng ở nhiều thời điểm khác nhau, dấu tích kiến trúc xây dựng trước và di tích kiến trúc xây dựng sau chồng xếp lẫn lộn. Sau hơn 300 năm hoang phế, thành Đồ Bàn được Nguyễn Nhạc cho tu sửa lại, định đô và lập ra vương triều Thái Đức.

Trải qua những biến thiên của lịch sử, hiện nay trong khuôn viên Tử Cấm Thành và thành Hoàng Đế vẫn còn lưu giữ nhiều dấu tích của vương quốc Chămpa, triều đại Tây Sơn và thời nhà Nguyễn. Các kiến trúc của các thời kỳ nằm đan xen tạo nên sự phong phú và nét đặc trưng của di tích.

Cặp voi đá vừa được công nhận bảo vật - trước đó được xác định đặt trước cửa Tiền của thành Nội. Dấu vết còn lại cho thấy tường thành được xây bằng đá ong và đắp đất. Tuy nhiên đến nay, cửa Tiền cũng như 3 mặt Nam, Đông, Tây đều không còn gì.

Ngày 23/6/2021, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt đồ án quy hoạch khu vực thành Hoàng Đế nhằm phát huy các giá trị di tích. Hi vọng quyết định công nhận bảo vật quốc gia cặp voi đá thành Đồ Bàn không chỉ đem lại sự phát triển khu vực xung quanh các di tích gốc, mà còn tạo ra cơ hội phục dựng thành Đồ Bàn - Hoàng Đế, nơi từng hai lần được chọn làm kinh đô.

Bài liên quan
Ngôi làng canh giữ bảo vật của vua Hàm Nghi
Hơn một thế kỷ qua, người dân xã Phú Gia, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) thay nhau canh giữ bảo vật của vua Hàm Nghi ban tặng.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ phù điêu Hộ pháp đến voi đá thành Đồ Bàn