Sự bùng nổ của công nghệ mang đến cơ hội nâng cao chất lượng giáo dục nhưng cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi đối với tâm lý học sinh.
Qua một số sự việc đau lòng cho thấy, hoạt động tư vấn tâm lý trong nhà trường cần được coi trọng và đổi mới.
Cô Nguyễn Thị Thu Hà - Hiệu trường Trường THCS Quán Toan (Hồng Bàng, Hải Phòng) cho rằng, tư vấn tâm lý học đường là vấn đề quan trọng, nhất là đối với lứa tuổi học sinh THCS. Nhà trường thực hiện đầy đủ các quy định từ việc bố trí phòng tư vấn, phân công giáo viên kiêm nhiệm. Ngoài việc giáo dục tri thức, thầy cô luôn quan tâm đến giáo dục kỹ năng sống, đẩy mạnh hoạt động giáo dục thể chất giúp các em giải quyết những vấn đề khó khăn trong cuộc sống cũng như học tập.
Cuối tháng 2/2025, Trường THCS Quán Toan nhận thông tin từ gia đình một nữ sinh lớp 9 về việc em này có biểu hiện tâm lý bất thường khi tự cào hai bàn tay của mình để lại nhiều vết xước đỏ. Cô Hà cho hay, khi nhận được phản ánh từ giáo viên chủ nhiệm, Ban giám hiệu lập tức yêu cầu cô đến nắm tình hình sự việc và động viên học sinh. Nguyên nhân được cho rằng, em bị áp lực khi người thân có lời lẽ qua lại khi em không tự giác học tập.
Cô Hà cho biết thêm, thời gian gần đây, nhà trường nhận rất nhiều thông tin phàn nàn chuyện con cái không tự giác học tập khi cha mẹ vắng nhà. Họ lo lắng con em mình khi ở nhà chỉ xem tivi, điện thoại, chơi game thậm chí sa đà vào nhiều tệ nạn xã hội.
Trước những tình huống này, Ban giám hiệu nhà trường lắng nghe và tư vấn cho phụ huynh để đồng hành cùng giáo viên quản lý các em. Về phía nhà trường, nhằm nâng cao tinh thần tự giác và định hướng kỹ năng cho các em trong thời đại công nghệ số, thầy cô cung cấp các trang thông tin hữu ích, app học tập, đường link dạy học qua mạng để học trò tự học tại nhà.
Thực tế, sự cạnh tranh, áp lực công việc và cuộc sống ngày càng tăng dẫn đến phụ huynh học sinh không có nhiều thời gian quan tâm đến đời sống tinh thần, tâm lý của con cái. Chị Lương Thị Luyến (42 tuổi, phường Nam Sơn, quận An Dương, TP Hải Phòng) cho biết, 2 vợ chồng chị đều làm công nhân khu công nghiệp, sáng đi sớm, tối về muộn.
Thời gian bố mẹ và 2 con gặp nhau không nhiều, trong khi 2 con của anh chị đang độ tuổi trưởng thành cần được sự đồng hành của người lớn. Thời gian gần đây, con hay chơi game, xem tivi rất muộn. Chị rất lo lắng việc học hành và sự an toàn cho con trên không gian mạng khi không có cha mẹ quản lý, nhưng nếu nghỉ việc thì với đồng lương ít ỏi của chồng chị không thể nuôi sống gia đình.
Bên cạnh đó, áp lực học tập, đặc biệt với học sinh cuối cấp càng cao bởi cuộc chạy đua chỉ tiêu vào trường công luôn khốc liệt. Vì thế, không ít phụ huynh ép con vào guồng quay của việc học. Thậm chí có thái độ chì chiết, la mắng khi con không đạt thành tích tốt khiến nhiều học sinh rơi vào khủng hoảng tâm lý.
Nguyễn Thùy Dương - lớp 9A6, Trường THCS Trương Công Định (Lê Chân, Hải Phòng) cho hay, các em hiện nay chịu nhiều áp lực, từ việc học hành, đến các mối quan hệ khác. Nhiều bạn không được sống vô tư đúng lứa tuổi, thời gian học nhiều không được vui chơi, thậm chí không ít bạn sống cho ước mơ của người lớn.
Nguyễn Hà Chi - lớp 9A5, Trường THCS Quán Toan chia sẻ thêm, giai đoạn này em khá áp lực việc học hành. Chỉ một thời gian ngắn nữa sẽ diễn ra kỳ thi vào lớp 10 THPT, đây cũng là kỳ thi chuyển cấp đầu tiên của Chương trình GDPT 2018. Những lúc cảm thấy căng thẳng chuyện học hành em thường nghe nhạc, hoặc tâm sự cùng bạn bè.
Cô Nguyễn Thị Yến Hoa - Trường THCS Hồng Bàng (Hồng Bàng) cho rằng, sự phổ cập của Internet dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 tạo nhiều thuận lợi trong học tập, giải trí nhưng nếu lạm dụng, sử dụng Internet không đúng cách sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng. Để khai thác lợi thế công nghệ thông tin và có kỹ năng hạn chế tiêu cực, cô Hoa lồng ghép giáo dục học sinh qua các tiết sinh hoạt tập thể, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
Cô Hoa quan niệm, không có học sinh cá biệt, học sinh hư mà chỉ có học sinh chưa được định hướng phát triển đúng cách. Trong lớp cô chủ nhiệm từng có học sinh ham chơi game. Khi nắm được thông tin, cô đã hẹn gặp và tâm sự riêng với học sinh này. Biết nguyên nhân em có khúc mắc với gia đình và không muốn ở nhà, cô đã động viên, đồng thời liên hệ với phụ huynh học sinh phối hợp tháo gỡ. Dần dần, được sự định hướng của cô và quan tâm từ bố mẹ, em học sinh đó đã thay đổi, tập trung học tập hơn.
Theo TS nhân học Vũ Thị Hạnh - Trường Đại học Hải Phòng, để có thể giảm bớt áp lực tâm lý cho học sinh, nhất là cuối cấp, nhà trường cần có kế hoạch dạy học, ôn tập, bồi dưỡng kiến thức khoa học, bám sát chương trình. Giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn thường xuyên quan tâm đến từng em, phối hợp với gia đình trong công tác giáo dục, động viên các em hoàn thành tốt các nội dung học tập.
Nhà trường và gia đình cần đồng hành cùng các em, không chỉ trích, chê bai nếu học trò chưa tiến bộ, cần tìm ra nguyên nhân của hạn chế và có biện pháp khắc phục... Về phía gia đình, cha mẹ cần tạo ra không khí vui vẻ, quan tâm đến sức khỏe của con.
Hạn chế cho con sử dụng các thiết bị thông minh bằng những thỏa thuận một cách có kỷ luật, không để các em sử dụng sau 23 giờ. Phụ huynh nên dành thời gian cho con thư giãn bằng cách đi bộ, tập thể dục, nói chuyện vui vẻ, xem phim, chăm sóc thú cưng.
Bà Đỗ Thị Hòa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cho rằng, trong thời đại công nghệ số, việc kiểm soát học sinh bằng cách không cho các em dùng các thiết bị thông minh chưa phải là biện pháp tích cực. Nhà trường và cha mẹ cần phối hợp trang bị cho học sinh kỹ năng sử dụng thiết bị phục vụ học tập, giải trí phù hợp tránh gây áp lực.
Bên cạnh đó, với những biểu hiện học sinh ham chơi game, sa đà vào việc sử dụng thiết bị công nghệ, chểnh mảng học hành, thầy cô và cha mẹ cần phát hiện sớm để tư vấn, định hướng và lôi cuốn các em vào các hoạt động tập thể, thể dục thể thao, dần tạo tâm lý tích cực trong học tập.