Sinh viên và cán bộ giảng viên cơ sở Hà Nội có cơ hội tham quan triển lãm “Lăng kính cầu vồng” để tìm hiểu về lịch sử của cộng đồng LGBTIQAP+ tại Việt Nam, thông qua nhiều cách trình bày trực quan khác nhau.
Người tham gia cũng có cơ hội tự làm những chiếc kẹp tóc đầy màu sắc để thể hiện tinh thần của Tuần lễ Tự hào.
Trong khi đó, sinh viên và cán bộ giảng viên cơ sở Nam Sài Gòn được mời tham gia sự kiện “Nói chuyện với niềm tự hào: Cánh cửa đầu tiên cần mở ra” để tìm hiểu cách cộng đồng LGBTIQAP+ tự nhìn nhận bản thân, cách những người bên ngoài cộng đồng có thể hỗ trợ họ một cách hiệu quả, cũng như các nỗ lực hiện nay tại RMIT nhằm thúc đẩy môi trường hòa nhập và an toàn cho mọi người.
Cán bộ giảng viên cũng có cơ hội tham dự hai phiên thảo luận chuyên sâu về cách làm cha mẹ LGBTIQAP+ do phòng Nhân sự và Chăm sóc sức khỏe và tâm lý của RMIT tổ chức.
Một phiên dành cho nhân viên thuộc cộng đồng LGBTIQAP+ đang hoặc sắp làm cha mẹ. Phiên còn lại dành cho cán bộ giảng viên có con cái thuộc cộng đồng LGBTIQAP+ hoặc muốn hỗ trợ con cái, người thân của họ trong quá trình công khai xu hướng tính dục hay chuyển giới.
Ngày cuối cùng của Tuần lễ Tự hào trùng với Wear it Purple Day (Ngày mặc màu tím). Trong ngày này, cán bộ giảng viên và sinh viên RMIT được khuyến khích thể hiện sự ủng hộ những người trẻ thuộc cộng đồng cầu vồng bằng cách mặc trang phục hay phụ kiện màu tím.
Tuần lễ Tự hào kết thúc một cách ấn tượng với buổi chia sẻ R-Doore You – gồm nhiều trò chơi, hoạt động xây dựng đội nhóm và chia sẻ thân tình – cùng màn flash mob vui nhộn tại cả cơ sở Nam Sài Gòn và Hà Nội.