Theo đánh giá của Sở GTVT TP.HCM, các đoạn tuyến từ ga S0 và các nhánh đi về Đồng Nai, Bình Dương đều đi trên cao nên công nghệ xây dựng không quá phức tạp so với xây dựng ngầm. Đồng thời, còn giúp nâng cao cảnh quan đô thị nếu được thiết kế tốt.
Căn cứ lưu lượng, nhu cầu vận chuyển khách, trong giai đoạn trước mắt, có thể nghiên cứu đầu tư trước đoạn tuyến từ ga S0 và một phần đoạn 1. Trong đó có thể tính toán sử dụng chung depot Long Bình của tuyến metro số 1 trong thời gian depot này chưa khai thác hết công suất.
Đối với đoạn từ ga S0 về Khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ Bình Dương, trước mắt có thể tổ chức vận chuyển khách bằng các tuyến BRT (xe buýt nhanh) theo kế hoạch. Khi nhu cầu giao thông vận chuyển khách đạt mức cao hơn thì sẽ đầu tư xây dựng tiếp đoạn 2.
Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên được phê duyệt năm 2008, khởi công năm 2012, dự kiến đưa vào khai thác sau 6 năm nhưng cuối cùng phải hẹn ngày khai thác vào năm 2024.
Chậm giải ngân vốn, nhiều sự cố kỹ thuật phát sinh, khó khăn nhân sự, Covid-19 là những nguyên nhân khiến metro số 1 chậm trễ sau 11 năm khởi công.
Tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu là 17.387 tỷ đồng, sau được điều chỉnh tăng lên 43.757 tỷ đồng. Dự án sẽ chính thức đưa vào khai thác thương mại từ tháng 7 năm 2024.