Đối lập với những nền tảng đó là một Qatar non trẻ với 100% cầu thủ thi đấu ở trong nước, dự World Cup nhờ suất chủ nhà mà không phải đá vòng loại. Sự thiếu hụt kinh nghiệm cùng cơ hội cọ xát thực sự là điều mà tiền bạc không thể mua được ở nền bóng đá giàu có như Qatar.
Nhật Bản, Hàn Quốc hay Iran đã cho thấy sự tiến bộ của họ không phải nhất thời. Ở World Cup 2018, tuyển Nhật dưới sự dẫn dắt của HLV Akira Nishino thắng Colombia, hòa Senegal ở vòng bảng, suýt thắng Bỉ khi dẫn trước tới 2-0 ở vòng 16 đội. Trong khi đó, tuyển Hàn Quốc của Shin Tae-yong quật ngã Đức 2-0 và chia tay giải trong thế ngẩng cao đầu. Iran thậm chí cầm hòa được Bồ Đào Nha của Ronaldo 1-1 ở vòng bảng.
Sau trận thắng Xứ Wales ở bảng B, tuyển Iran đứng trước cơ hội lần đầu tiên vào vòng knock-out World Cup khi chỉ cần hòa Mỹ ở lượt cuối. Nhật Bản, Hàn Quốc và Saudi Arabia còn nguyên cơ hội tái lập thành tích vượt qua vòng bảng ở những giải đấu trước.
“Lượt trận đầu của vòng bảng World Cup 2022 đã chứng kiến những kết quả không tưởng của các đội châu Á. Những chiến thắng không tưởng của Saudi Arabia và Nhật Bản khiến người hâm mộ bóng đá toàn cầu phải sửng sốt”, trang chủ Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) viết đầy tự hào.
“Tuyển Nhật Bản đã khiến nhà vô địch World Cup 2014 phải ngậm ngùi sau 2 trận thua liên tiếp ở 2 kỳ World Cup. Họ khiến cả châu Á phải tự hào”, Daily Mail viết về chiến thắng oanh liệt của “Samurai xanh” trước Đức.