Nhận xét về tình hình này, tỷ phú Buffett cho biết tinh thần đảng phái chính trị ở Washington giờ đây đã biến thành một dạng “chủ nghĩa bộ lạc” (tribalism) - nơi mà nhiều người nói nhưng không có người nghe.
“Vấn đề bây giờ là tinh thần đảng phái đã trở nên hạn hẹp, mọi người chỉ trung thành với một tư tưởng cố định của phe mình mà chẳng có bên nào chịu lắng nghe bên nào", ông phát biểu.
Dù vậy, vị tỷ phú vẫn lần nữa nhấn mạnh niềm tin của ông vào nước Mỹ. Đối với ông, nước Mỹ là một “xã hội đáng kinh ngạc” và “mọi thứ rồi sẽ thuận lợi hơn”. Kể cả khi được được lựa chọn lại, ông vẫn muốn sinh ra ở Mỹ.
Cũng tại sự kiện này, tỷ phú Buffett và cộng sự của mình - ông Charlie Munger - đã chỉ trích cách các chính trị gia, quan chức và giới truyền thông trong việc xử lý các vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank, Signature Bank và First Republic Bank.
Ông cho rằng cách truyền đạt thông điệp "rất nghèo nàn" đã khiến người gửi tiền hoảng sợ một cách không cần thiết.
"Sự sợ hãi sẽ lan rất nhanh. Bạn không thể điều hành nền kinh tế khi người dân lo lắng về sự an toàn trong ngành ngân hàng", ông nói. Theo vị tỷ phú, Berkshire hiện rất thận trọng về ngành này và đã bán gần hết cổ phiếu trong 6 tháng qua.
Do đó, khi dự báo về kết quả kinh doanh của Berkshire năm nay, ông Buffett cho rằng các công ty con sẽ gặp khó khăn hơn năm ngoái rất nhiều do hoạt động kinh tế đang chậm lại.
Dù vậy, Berkshire có thể bù đắp việc này bằng lợi nhuận từ đầu tư, trong đó có 7 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ mua tháng trước.
Chỉ trước buổi đại hội vài tiếng đồng hồ, Berkshire Hathaway đã công bố báo cáo lợi nhuận ròng quý I tăng tới 13%, đạt mức 8,065 tỷ USD nhờ sự hồi phục của mảng bảo hiểm.
Đặc biệt, riêng lợi nhuận từ mảng bảo lãnh phát hành bảo hiểm đã đạt 911 triệu USD - gấp 5 lần so với 167 triệu USD của cùng kỳ trước đó, đồng thời thu nhập từ đầu tư bảo hiểm cũng tăng 68% lên 1,969 tỷ USD.