Giáo dục quốc phòng

UAV 'ma cà rồng' Baba Yaga của Ukraine chuyên ném bom ban đêm nguy hiểm thế nào?

10/08/2024 21:58

UAV Baba Yaga – được mệnh danh là UAV 'ma cà rồng' của Ukraine - được trang bị bom dẫn đường có khả năng tấn công tầm xa với độ chính xác cao. Kiev thường triển khai vũ khí này vào ban đêm và đặt ra thách thức nghiêm trọng với quân đội Nga.

Theo tạp chí Forbes, máy bay không người lái (UAV) Baba Yaga – được mệnh danh là UAV 'ma cà rồng' của Ukraine - được trang bị một loại vũ khí mới vô cùng lợi hại. Ukraine sử dụng UAV này để ném bom vào ban đêm. Những hình ảnh gần đây cho thấy máy bay ném bom ban đêm Baba Yaga đã được trang bị bom dẫn đường có khả năng tấn công tầm xa với độ chính xác cao.

Điều này đã tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng cho lực lượng Nga, vì UAV Baba Yaga có thể tấn công từ bên ngoài vòng bảo vệ các hệ thống phòng không hiện có.

Nỗi kinh hoàng ban đêm của Nga

Baba Yaga là tên gọi chung quân đội Nga dành cho một số loại máy bay ném bom ban đêm của Ukraine. Những UAV này mang theo loại bom nặng hơn nhiều so với các loại UAV dân dụng nhỏ thường bay vào ban ngày.

UAV

UAV "ma cà rồng" Baba Yaga của Ukraine. Ảnh: MILITARNYI

Nếu như loại UAV mang bom nhỏ thường mang theo một quả lựu đạn cầm tay hoặc loại vũ khí cỡ nhỏ thì UAV "ma cà rồng" Baba Yaga có thể thả các quả mìn chống tăng TM-62 nặng gần 10 kg vào các vị trí của đối phương.

Do có kích thước lớn và động cơ rotor phát ra tiếng ồn (có thể nghe thấy từ khoảng cách hơn 1,6 km), nên UAV Baba Yaga dễ trở thành mục tiêu vào ban ngày. Vì vậy, Ukraine thường triển khai vũ khí này vào ban đêm.

Theo một số thông tin, UAV Baba Yaga không thể bị gây nhiễu, và chúng chỉ có thể bị bắn hạ bằng súng phun lửa. UAV này được trang bị các đĩa thu tín hiệu để thu sóng vô tuyến và thiết bị gắp để lấy một số vật phẩm của đối phương sau một cuộc tấn công.

Trong những tháng gần đây, Nga đã tìm ra các phương pháp hiệu quả hơn đối phó các máy bay ném bom ban đêm, nổi bật ở hai chiến thuật sau. Thứ nhất, lực lượng Nga triển khai các đội bắn tỉa có kính ngắm ảnh nhiệt để phát hiện UAV trong bóng tối. UAV Baba Yaga thường bay chậm ở độ cao thấp và dễ bị bắn hạ theo cách này, dù có một số thông tin cho rằng có một số UAV loại này đã được trang bị lớp giáp bảo vệ. Chiến thuật thứ hai của Nga là sử dụng UAV góc nhìn thứ nhất có trang bị camera ảnh nhiệt để đánh chặn trên không.

Các chiến thuật này đã khiến một lượng lớn UAV Baba Yaga bị tiêu diệt. Tuy nhiên, ông Michael Kofman – nghiên cứu sinh tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế (có trụ sở chính tại Mỹ) – cho rằng dù chịu tỉ lệ tổn thất cao nhưng Baba Yaga vẫn nằm trong số những UAV tấn công hiệu quả nhất của Ukraine.

Các kỹ sư Ukraine hiện đang nỗ lực làm việc để cải tiến vũ khí của các loại UAV và đưa công nghệ này lên một tầm cao mới.

Vũ khí bí ẩn

Tuần trước, kênh Telegram có tên Vanguard của quân đội Ukraine đã chia sẻ hình ảnh một UAV "ma cà rồng" Baba Yaga bị bắn hạ mang theo vũ khí có ký hiệu BK-3OF.

Thông qua các đặc điểm như các lỗ xung quanh mũi đạn và phần cánh có thể dịch chuyển được, giới chuyên gia nhận định đây là một loại vũ khí dẫn dường.

Quân đội Ukraine vận hành UAV Punisher – một loại UAV cánh cố định cỡ nhỏ có thể tái sử dụng. Ảnh: Kostya Liberov/ Libkos via Getty

Quân đội Ukraine vận hành UAV Punisher – một loại UAV cánh cố định cỡ nhỏ có thể tái sử dụng. Ảnh: Kostya Liberov/ Libkos via Getty

Thông thường, UAV mang bom phải tiến hành việc ném bom ngay phía trên mục tiêu và ở độ cao thấp để đảm bảo độ chính xác. Tài khoản Vanguard lưu ý ngay cả khi thả từ độ cao 80 m thì tỉ lệ trúng mục tiêu chỉ đạt khoảng 50%.

Tuy nhiên, bom dẫn đường có thể được thả từ khoảng cách xa hơn hoặc ở độ cao lớn hơn nhiều, nhờ vậy máy bay mang bom có thể tránh xa hệ thống phòng thủ của đối phương. Đây cũng chính là chiến thuật mà các máy bay ném bom của Nga sử dụng để thả bom lượn xuống các vị trí Ukraine cách xa khoảng 32 km để tránh tên lửa đất đối không.

UAV "ma cà rồng" Baba Yaga một khi mang bom dẫn đường có khả năng tấn công mục tiêu từ khoảng cách đáng kể, đủ nằm ngoài tầm hoạt động của phương tiện gây nhiễu hoặc các tay súng bắn tỉa. Do đó, UAV này có thể thả bom và rời đi trước khi bị UAV góc nhìn thứ nhất phản đòn.

Tài khoản Vanguard tiết lộ vũ khí BK-3OF của UAV Baba Yaga có đường kính 125 mm. Nhìn bề ngoài, đây là vũ khí được sản xuất tại nhà máy chứ không phải vũ khí tự chế như mìn chống tăng được sửa đổi. Vanguard cho rằng vũ khí mới của Baba Yaga nhiều khả năng được trang bị đầu dò laser bán chủ động, nhưng một số nhà phân tích quân sự lại có nhìn nhận khác.

Theo trang web CAT-UXO, BK-3OF sử dụng đầu đạn phân mảnh RK-30F của tên lửa chống tăng xách tay RK-3 Corsar do Ukraine sản xuất.

RK-3 Corsar là tên lửa dẫn đường bằng chùm tia laser. Loại tên lửa này khác biệt so với tên lửa dẫn đường bằng laser bán chủ động như Hellfire, trong đó người vận hành đặt một điểm laser vào mục tiêu và đầu dò tên lửa sẽ tự dẫn đến mục tiêu đó.

Quay lại với tên lửa RK-3 Corsar, chùm tia laser được sử dụng để truyền tín hiệu điều khiển đến tên lửa dựa vào vị trí mà người vận hành đặt đường ngắm. Nó có bộ thu laser ở phía sau để liên lạc với người vận hành thay vì nhìn vào mục tiêu ở phía trước. Đây là lý do mặt trước tên lửa RK-3 Corsar không có cảm biến nào.

Trong khi đó, nhà phân tích quân sự Trent Telenko cho rằng tên lửa BK-3OF có thể sử dụng thiết bị dẫn đường bằng quang học.

Hiện các thông tin chi tiết về tên lửa BK-3OF như tầm bắn, độ chính xác và sức mạnh đầu đạn vẫn còn là ẩn sổ. Nhưng nhiều khả năng tên lửa này sẽ gia tăng đáng kể độ sát thương và tính linh hoạt của UAV “ma cà rồng” Baba Yaga, đồng thời sẽ là “cơn ác mộng” với quân đội Nga.

Theo www.24h.com.vn
https://www.24h.com.vn/tin-tuc-quoc-te/uav-ma-ca-rong-baba-yaga-cua-ukraine-chuyen-nem-bom-ban-dem-nguy-hiem-the-nao-c415a1592812.html
Copy Link
https://www.24h.com.vn/tin-tuc-quoc-te/uav-ma-ca-rong-baba-yaga-cua-ukraine-chuyen-nem-bom-ban-dem-nguy-hiem-the-nao-c415a1592812.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
UAV 'ma cà rồng' Baba Yaga của Ukraine chuyên ném bom ban đêm nguy hiểm thế nào?