Giáo dục quốc phòng

Ukraine ‘thay đổi lập trường hòa đàm’, Nga lên tiếng

Đăng Minh (Theo RT) 31/03/2024 07:17

GDTĐ – Điện Kremlin khẳng định Ukraine phải xét đến “tình hình thực tế” nếu như hướng đến giải pháp ngoại giao để chấm dứt xung đột.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt sang nước láng giềng Ukraine hôm 24/2/2022.

Tới cuối tháng 9/2022, Nga đã sáp nhập 4 vùng Donetsk, Lugansk ở miền đông, vùng Zaporizhzhia và Kherson ở miền nam, trong sự phản đối mạnh mẽ của Ukraine.

"Tình hình địa chính trị đã thay đổi đáng kể kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt. Hiện tại, đường biên giới của cả Ukraine và Nga đã thay đổi", RT dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 30/3.

Phát ngôn viên Peskov lưu ý thêm rằng Nga đã sáp nhập 4 vùng của Ukraine và đó là thực tế "không thể bỏ qua".

nga(1).jpeg
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Sputnik

Tuyên bố được Điện Kremlin đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong một cuộc trả lời phỏng vấn đầu tuần này đã phát tín hiệu rằng khôi phục đường biên giới năm 1991 không còn là điều kiện tiên quyết của Ukraine để nối lại hòa đàm nhằm chấm dứt xung đột với Nga.

Nhà lãnh đạo Ukraine nói rằng, Kiev cần phải giành lại lãnh thổ đã bị Nga kiểm soát kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt. Các vùng lãnh thổ này không bao gồm bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập năm 2014.

"Chúng ta sẽ không phải giải phóng toàn bộ lãnh thổ của mình bằng biện pháp quân sự… Tôi chắc chắn rằng khi Nga mất đi những gì đã kiểm soát kể từ tháng 2/2022, cũng đồng nghĩa họ sẽ hoàn toàn mất đi niềm tin", Tổng thống Zelensky lý giải.

Đài RT (Nga) cho rằng phát biểu này Tổng thống Zelensky dường như phát tín hiệu rằng Ukraine không còn coi việc khôi phục đường biên giới năm 1991 là điều kiện tiên quyết để hòa đàm với Nga ngay cả khi ông tiếp tục thúc đẩy công thức hòa bình 10 điểm của mình.

Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova sau đó lên tiếng cho rằng sự thay đổi trong lập trường của Tổng thống Zelensky là do "lo lắng".

Điện Kremlin nhiều lần khẳng định, Nga không bao giờ từ chối đàm phán với Ukraine, song Kiev cần chấp nhận tình hình thực tế. Thực tế mà Moscow đề cập đến là việc Nga đã sáp nhập một số vùng lãnh thổ của Ukraine, trong đó có bán đảo Crimea.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nêu rõ, nếu Ukraine muốn đàm phán, trước tiên họ phải hủy sắc lệnh cấm hòa đàm với chính quyền của ông.

Tổng thống Zelensky cuối năm 2022 ký đã ban hành sắc lệnh cấm đàm phán với chính quyền của người đồng cấp Nga Putin.

Nhà lãnh đạo Ukraine cũng đưa ra bản kế hoạch hòa bình 10 điểm, trong đó có điều kiện yêu cầu Nga rút toàn bộ quân, bồi thường chiến tranh, khôi phục đường lãnh thổ năm 1991.

Bài liên quan
Tổng thống Ukraine lên tiếng về khả năng ngừng bắn với Nga
Tổng thống Volodymyr Zelensky cho rằng thỏa thuận ngừng bắn sẽ giúp quân đội Nga khôi phục khả năng chiến đấu.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ukraine ‘thay đổi lập trường hòa đàm’, Nga lên tiếng