Từ góc nhìn của Kremlin, khu vực quanh Bakhmut chỉ là một phần trong tiền tuyến dài khoảng 1.000km mà quân đội Nga phải nắm giữ. Nhiệm vụ này có thể trở nên khó khăn hơn do các chiến binh của công ty quân sự tư nhân Wagner được rút dần khỏi đây, trao quyền tiếp quản cho quân đội chính quy của Nga.
Giới chức Ukraine cho hay, đối với các lực lượng Ukraine, hoạt động gần đây của họ khá lạc quan - họ cố gắng giành các thắng lợi nhỏ trước đối phương, và chiếm các vị trí chiến lược, đáng lưu ý là từ 2 sườn Tây Bắc và Tây Nam, nơi Lữ đoàn tấn công độc lập số 3 của Ukraine hoạt động.
Nga đã xem việc chiếm Bakhmut là hoàn thành một phần tham vọng giành quyền kiểm soát đối với vùng Donbass, trung tâm công nghiệp của Ukraine. Hiện nay, lực lượng của Nga buộc phải tập kết, luân chuyển chiến binh và tái vũ trang để giữ vững thành phố này. Ông chủ hãng Wagner tuyên bố rút lực lượng của mình khỏi đây sau khi thừa nhận đã mất tới hơn 20.000 tay súng.
Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Maliar mô tả cuộc đối đầu trong 9 tháng với lực lượng Wagner như là cuộc chiến sinh tồn cho Ukraine. Bà nói: “Nếu lực lượng của Wagner không bị thương vong ở Bakhmut, thì hàng chục ngàn người như vậy sẽ tràn sâu vào lãnh thổ Ukraine”.
Số phận của Bakhmut, hiện chủ yếu chỉ còn là đống hoang tàn, đã bị lu mờ trong các ngày gần đây do các cuộc tập kích ban đêm vào thủ đô Kiev của Ukraine, một chuỗi tấn công không rõ bên thực hiện nhằm vào thủ đô Moscow của Nga, và khả năng ngày càng tăng là chính phủ Ukraine sẽ cố gắng giành lại những vùng lãnh thổ đó.
Nhưng trận chiến Bakhmut vẫn có tác động kéo dài. Moscow cố gắng tận dụng việc chiếm được Bakhmut, tuyên truyền rầm rộ sự kiện này trên truyền thông.
Michael Kofman thuộc Trung tâm Phân tích hải quân (một nhóm nghiên cứu của Mỹ) lưu ý trong một podcast vào tuần này rằng chiến thắng trên mang lại những thách thức mới trong việc nắm giữ Bakhmut.
Kofman cho biết, với việc các chiến binh Wagner rút lui, các lực lượng Nga sẽ ngày càng phải gắn vào Bakhmut nhưng việc phòng thủ thành phố này có thể không đơn giản.
Một quan chức phương Tây giấu tên cho biết, lực lượng lính dù Nga sẽ tham gia sâu vào việc thay thế binh lính của công ty quân sự tư nhân Wagner, nhưng bước đi này “có khả năng sẽ gây bức xúc” cho ban lãnh đạo lực lượng lính dù, vì họ coi nhiệm vụ trông giữ Bakhmut này sẽ làm xói mòn “vị thế tinh nhuệ” của họ trong quân đội Nga.
Ukraine đang cố gắng “đánh tạo thế”?
Một nhà phân tích người Ukraine cho hay, các lực lượng Ukraine đã lấy lại một ít lãnh thổ ở các bên sườn - vài trăm mét mỗi ngày, để củng cố tuyến phòng ngự và tìm kiếm cơ hội tái chiếm một số vùng đô thị của thành phố.
Nhà phân tích quân sự Roman Svitan nói qua điện thoại: “Mục tiêu ở Bakhmut không phải là tự bản thân Bakhmut, hiện đã biến thành đống đổ nát. Mục tiêu của người Ukraine là bám chắc vào các điểm cao phía Tây và duy trì vòng cung phòng thủ bên ngoài thành phố”.
Nói rộng ra, Ukraine muốn ghìm chân quân Nga và giành quyền chủ động trước cuộc phản công - điều này giới quân sự gọi là hoạt động “tạo thế” để hình thành môi trường thuận lợi cho trận đánh tiếp theo và đẩy đối phương vào thế phòng ngự, thụ động.
Serhiy Cherevatyi - một phát ngôn viên cho lực lượng Ukraine ở miền Đông, cho biết mục tiêu chiến lược ở khu vực Bakhmut là “cản bước đối phương, tiêu hao thật nhiều nhân lực và khí tài của họ” trong khi ngăn ngừa Nga tạo đột phá hoặc hình thành thế vu hồi.
Nhà phân tích Mathieu Boulègue chia sẻ, ưu thế quân sự đóng vai trò chủ chốt nhưng “ưu thế thông tin” cũng không kém phần quan trọng, đó là khả năng nghi binh lừa địch, che giấu lực lượng, và di chuyển kín đáo.
Nhà nghiên cứu Boulègue thuộc chương trình Nga và Á-Âu tại tổ chức Chatham House có trụ sở sở London (Anh) cho rằng các chiến thuật trên “có thể quyết định bên nào giành được lợi thế gây bất ngờ cho đối phương và đảo chiều xung đột”.