Việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giảng dạy đã mang lại trải nghiệm học tập mới mẻ và hiệu quả.
Thời gian qua, nhóm giáo viên Trường THPT FPT Cần Thơ gồm thầy Nguyễn Bá Huy, thầy Nguyễn Minh Mẫn và cô Mai Thị Thanh Bình, đã mạnh dạn ứng dụng tài liệu học tập tích hợp AI để hỗ trợ học sinh khối 12 ôn thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ Văn theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.
Cô Thanh Bình chia sẻ, trong quá trình thiết kế tài liệu tự học bằng AI, các thầy cô đã tỉ mỉ xác định và xây dựng nội dung chính; sử dụng Napkin AI để tạo sơ đồ tư duy trực quan; dùng Invideo AI để phát triển các video hướng dẫn, giảng giải kiến thức; và đặc biệt, dùng Brisk Teaching AI để xây dựng hệ thống câu hỏi đánh giá, kiểm tra đa dạng.
Kết quả khảo sát ban đầu cho thấy hiệu quả rõ rệt, hơn 80% học sinh nhận thấy các nội dung được tạo ra từ AI mang đến trải nghiệm học tập Ngữ văn tích cực và hấp dẫn hơn. Sự kết hợp giữa giáo viên và AI không chỉ tối ưu hóa quy trình giáo dục, nâng cao năng suất mà còn khơi gợi hứng thú, thu hút sự quan tâm của học sinh trong mỗi giờ học.
Bà Nguyễn Thị Uyên Thúy, Hiệu trưởng Trường THPT FPT Cần Thơ, nhấn mạnh điểm nổi bật trong phương pháp của nhà trường là việc tích hợp công nghệ và cá nhân hóa hành trình học tập. Học sinh được phân nhóm theo năng lực, từ đó xây dựng lộ trình riêng biệt, với tài liệu ôn luyện được thiết kế phân tầng, mở rộng tùy theo định hướng và khả năng tiếp thu của từng em.
“Đặc biệt, học sinh được khuyến khích sử dụng các công cụ hiện đại như AI, sơ đồ tư duy và hệ thống tự học số hóa, từ đó hình thành thói quen tự học, tự đánh giá và hoàn thiện bản thân mỗi ngày”, bà Thúy chia sẻ.
Một trong những kết quả ấn tượng là tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 vừa qua, nữ thí sinh Trang Ngọc Phương Nghi của Trường THPT FPT Cần Thơ đã xuất sắc đạt số điểm gần như tuyệt đối 9,75 điểm môn Ngữ văn, và là một trong 301 thí sinh có điểm Ngữ văn cao nhất cả nước (không có điểm 10).
Bà Uyên Thúy cho biết, có thể nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết một thí sinh đạt điểm Ngữ văn cao lại đến từ một ngôi trường vốn nổi bật với STEM, AI và Robotics. Nhưng với FPT, đây chính là minh chứng rõ ràng cho triết lý giáo dục toàn diện, nơi học sinh không bị đóng khung bởi bất kỳ khuôn mẫu nào, mà được tạo điều kiện phát triển hài hòa về học thuật, nghệ thuật, cảm xúc và năng lực toàn cầu.
Những năm gần đây, nhiều ứng dụng AI phổ biến đã và đang được cán bộ, giảng viên, giáo viên FPT ứng dụng rộng rãi giáo dục, điển hình như: Chat GPT, Chatbot tích hợp AI, các nền tảng hỗ trợ học tập có ứng dụng AI trong kỹ thuật phần mềm, thiết kế đồ họa, phương pháp học tập kiến tạo xã hội trên nền tảng Edunext, hay các môn học cụ thể như Tiếng Anh, Lịch sử, Toán học, STEM và Robotics.
Bên cạnh đó, FPT cũng liên tục tổ chức các chương trình, hội thảo chuyên sâu về ứng dụng AI, giúp nhà quản lý, giáo viên, sinh viên và học sinh tiếp cận công nghệ một cách khoa học, hiệu quả.
Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT nhận định, trong bối cảnh hiện nay, công nghệ AI phát triển với tốc độ rất nhanh, thậm chí chúng ta không thể hình dung được bức tranh tương lai sẽ như thế nào. Điều này đặt ra những thử thách lớn cho giáo dục.
Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT nhấn mạnh: “Giáo dục sẽ phải có sự thay đổi rất lớn, tức không thể dạy và học theo cách cũ khi AI được dùng phổ biến. Một số ngành nghề có thể thay đổi, có thể biến mất nhưng giáo dục sẽ tiếp tục tồn tại, bởi giáo dục là công cụ để xã hội có cách ứng phó với AI.
Để tận dụng AI một cách hiệu quả, Tiến sĩ Lê Trường Tùng đưa ra gợi ý đặc biệt dành cho giáo viên khối phổ thông, đó là áp dụng mô hình cổ điển “lớp học đảo ngược”.
Theo đó, thay vì giáo viên giảng bài trên lớp, học sinh sẽ tự học với sự trợ giúp của AI tại nhà. Ngược lại, thay vì làm bài tập ở nhà, các em sẽ thực hiện bài tập trên lớp dưới sự hướng dẫn của giáo viên, đảm bảo kiểm soát được việc sử dụng AI.
Với mô hình này, giáo viên cần yêu cầu học sinh vận dụng tối đa các công cụ AI như ChatGPT để tự chuẩn bị bài và tự học ở nhà. Đối với những nội dung quá khó, giáo viên có thể giảng giải trước hoặc sau phần giải bài tập.
Đây được xem là cách tương đối đơn giản, giúp giáo viên vẫn giữ được nội dung bài tập như cũ nhưng thay đổi thứ tự thực hiện, từ đó quản lý hiệu quả việc học của học sinh.
Đối với các khối giáo dục khác như giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, Tiến sĩ Lê Trường Tùng gợi ý giáo viên cần có những thay đổi linh hoạt và cố gắng đơn giản hóa hoạt động giảng dạy để dễ áp dụng, nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả. Quan trọng nhất là chấp nhận công nghệ thông tin, khuyến khích sử dụng AI và không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học trong kỷ nguyên số.