Uy lực của tên lửa được mệnh danh là ‘thiên thạch’ vừa được Nga đưa vào bệ phóng

Thành Nam | 18/11/2023, 16:02
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Avangard liên tục thay đổi hướng bay và cao độ khi di chuyển qua khí quyển, tạo thành một đường bay khiến hệ thống phòng thủ đối phương trở nên vô dụng vì không thể đoán biết vị trí thực tế của tên lửa.

Uy lực của tên lửa được mệnh danh là ‘thiên thạch’ vừa được Nga đưa vào bệ phóng - Ảnh 1.

Tên lửa Avangard. Ảnh cắt từ clips của Bộ Quốc phòng Nga

Báo Daily Express của Anh ngày 17/11 cho biết Bộ Quốc phòng Nga vừa phát đi đoạn phim cho thấy tên lửa đạn đạo xuyên lục địa gắn phương tiện lượn siêu vượt âm Avangard đang được lắp đặt trong hầm phóng tại căn cứ của Quân đoàn tên lửa số 31 thuộc lực lượng tên lửa chiến lược của Nga, tại Yasny, gần biên giới nước này với Kazakhstan.

Loại tên lửa này được bắn ra ngoài bầu khí quyển Trái Đất trước khi tấn công nhiều mục tiêu trên thế giới trong vòng chưa đầy 30 phút với tốc độ 9,5 km/giây, nghĩa là gấp hơn 27,6 lần tốc độ âm thanh (1.236 km/h).

Theo Daily Express, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố cuộc tấn công của Avangard “giống như một thiên thạch” và là “bất khả chiến bại” - không thể ngăn cản bởi bất kỳ hệ thống phòng thủ nào.

Mọi thông tin về tên lửa này đều tuyệt mật cho tới năm 2018, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố sự tồn tại của nó.

Theo hãng tin Reuters của Anh, năm 2018, ông Putin tuyên bố Avangard là phản ứng của Nga trước việc Mỹ phát triển thế hệ vũ khí và hệ thống phòng thủ tên lửa mới.

Xem video triển khai Avangard. Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga

Nga đã lắp đặt hệ thống Avangard đầu tiên vào năm 2019 cũng tại Orenburg.

Theo trang thông tin quân sự defenseblog, tính đến năm 2022 có sáu đơn vị Avangard đã đi vào hoạt động, củng cố đáng kể sức mạnh chiến lược của Nga.

Tính năng tối quan trọng của hệ thống Avangard nằm ở khả năng siêu vượt âm, giúp nó vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, hệ thống Avangard còn khiến đối phương không thể không lo ngại khi có thể mang đầu đạn dẫn đường siêu thanh với uy lực nổ từ 800 kiloton đến hai megaton (tương đương từ 800.000 tấn đếm 2 triệu tấn thuốc nổ thông thường).

Hệ thống Avangard tận dụng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ICBM UR-100N UTTKh làm động cơ đẩy để đưa phương tiện lượn siêu vượt âm lên độ cao thích hợp.

Sau khi tăng tốc, vũ khí có thể cơ động độc lập sẽ di chuyển theo quỹ đạo phi đạn đạo về phía mục tiêu.

Đặc điểm này khiến vũ khí siêu vượt âm như Avangard trở nên khác biệt so với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) truyền thống, khiến nó khó dự đoán, khó phát hiện và khó theo dõi hơn sau khi được phóng đi.

Tính không thể đoán trước này làm giảm khả năng cảnh báo trước của đối phương và hạn chế cơ hội di dời các tài sản quan trọng hoặc thực hiện phản ứng trước một cuộc tấn công sắp tới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Uy lực của tên lửa được mệnh danh là ‘thiên thạch’ vừa được Nga đưa vào bệ phóng