Khoa thi này không có người đỗ “chính trúng cách” để vua ban “đệ nhất giáp”. Ở hạng “thứ trúng cách” vua ban chỉ một mình Đào Nguyên Phổ “đệ nhị giáp”. Như vậy, nếu không tính tên gọi dân gian của Đào Nguyên Phổ là “cậu Ba” khi còn nhỏ tuổi thì tên khai sinh của ông là Đào Thế Cung, khi đi thi hương đổi tên là Đào Văn Mại, khi đi thi Hội và thi Đình đổi tên là Đào Nguyên Phổ. Sau khi thụ lễ ban yến của vua Thành Thái, Đào Nguyên Phổ về quê vinh quy bái tổ.
Trên đường đi từ Huế về Thái Bình, qua mỗi trạm nghỉ tạm, theo điển lệ đương triều, ông được đổi 4 người hộ tống. Qua những cuộc tiếp xúc với binh lính, người hộ tống với thực tế đời sống dân tình, Đào Nguyên Phổ tự nhận thức được rất nhiều điều sinh động mới, khiến ông thấy được rõ ràng hơn nỗi khổ nhục của người dân mất nước.
Nhớ người bạn vong niên Kiều Oánh Mậu đang hiệu đính Truyện Kiều, Đào Nguyên Phổ không quên mang sách về Hà Nội. Theo đoạn văn cuối bài tựa của Đào Nguyên Phổ thì đây là bản in “Truyện Kiều” năm 1865, như ông viết: “Năm Ất Mùi tôi đang học ở Quốc Tử Giám, có công tử họ ngoại nhà vua cầm đến tặng tôi một bản Kiều mới, nhan đề là “Đoạn trường tân thanh”.
Tôi mở sách ra đọc, thấy châm chước từng chữ, từng câu thay cũ đổi mới, danh bút phê bình, cơ trời linh động; lại được vua phê cho đôi câu đối ở đầu sách. Người đẹp văn hay, được đóa thiên hương làm tăng thêm khí sắc, vậy nên ngâm vịnh quý hơn được ngọc bích, người truyền nhau sao chép, giá giấy đắt như giấy quý Lạc Đô.
Mùa Hè năm nay tôi ở kinh vinh qui, mang sẵn bản Kiều ấy đưa biếu Giá Sơn. Giá Sơn trông thấy liền mừng cuống lên, nhân thể gia công kiểm duyệt tinh tường, rồi khắc in để cho nhiều người thưởng thức”.
Cuối bài tựa ghi rõ: Thượng tuần tháng 11, mùa Đông năm Mậu Tuất, niên hiệu Thành Thái - tức năm 1898. Như vậy, có thể khẳng định Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ chính là người thứ hai viết lời tựa Truyện Kiều.
Sau 3 tháng vinh quy bái tổ, Đào Nguyên Phổ được bổ chức Hàn lâm viện Thừa chỉ, giúp vua soạn thảo các đạo dụ và chiếu chỉ. Trong thời gian này ông tham gia học tiếng Pháp tại “Pháp tự quốc gia học đường”.
Từ đường họ Đào tại thôn Thượng Phán, xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. |
Giữ chức Thừa chỉ được một hai năm (1901 - 1902), ông xin từ quan ra Hà Nội làm báo. Năm 1903, ông làm chủ bút tờ “Đại Nam đồng văn nhật báo” viết bằng chữ Hán, đặt dưới sự kiểm soát của Nha Kinh lược sứ Bắc Kỳ. Năm 1905, ông lại cộng tác với “Đại Việt Tân Báo” viết bằng chữ Hán và chữ Quốc ngữ để cổ động cho phong trào Duy Tân và phong trào học chữ Quốc ngữ.
Năm 1907, sau cuộc gặp với Phan Châu Trinh, các trí thức như Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Đào Nguyên Phổ... đã thành lập Trường Đông Kinh Nghĩa Thục tại Hà Nội với mục đích lấy giáo dục chấn hưng lòng yêu nước.
Khi viết các bài tựa cho sách: Việt sử mông học, Việt sử tân ước toàn biên... ông nhấn mạnh cần học lịch sử: “Các nước văn minh như Âu Mỹ, Nhật Bản rất coi trọng khoa sử học. Lịch sử thế giới là một khoa học”, “Trẻ em 6 - 7 tuổi phải luyện ngay việc đọc quốc văn, quốc sử”, “Phải in vào trong não mọi người hai chữ “Quốc gia” sao cho bền vững không lay chuyển được”. Ông khẳng định mối quan hệ mật thiết giữa Tổ quốc, gia đình và bản thân mỗi người, phải biết coi đất đai của Tổ quốc như tài sản của riêng mình.
Có lần ông than phiền với các thân hữu: “Ai cũng biết Duy Tân, sao tôi còn thủ cựu, chẳng khiếp nhược lắm ư?”. Nói rồi, ông đập bàn đèn, quyết tâm cai. Thuốc phiện hành dữ dội làm ông đau ốm cả tháng. Nhiều người ái ngại, khuyên ông hút lại, ông giận, bảo: “Tử sinh hữu mạng! Con đĩ phù dung dám làm ma bắt tôi sao?”.
Tủ sách tại từ đường họ Đào, chi 3. |
Đào Nguyên Phổ còn để lại tư tưởng giáo dục đạo đức qua tác phẩm “Ấu học tân thư” gồm bốn tập. Tập 1: Ấu học khai tâm giáo khoa thư dạy về thiên nhiên, cây cỏ, thời tiết, chim muông. Tập 2: Ấu học tu thân giáo khoa thư dạy về luân lý, đạo đức. Cách tu dưỡng ăn ở đối xử với cha mẹ, bạn bè, người thân. Tập 3: Ấu học địa dư giáo khoa thư dạy về địa lý, chính trị Việt Nam. Tập 4: Ấu học lịch sử giáo khoa thư dạy về lịch sử Việt Nam.
Những hoạt động yêu nước, chống chính quyền thuộc địa của Đào Nguyên Phổ không qua mắt được mật thám. Sau khi Đông Kinh Nghĩa Thục bị đóng cửa, tiếp đến vụ mưu sát và binh biến trong hàng ngũ bồi bếp và binh lính người Việt phục vụ cho quân Pháp đóng ở thành Hà Nội (diễn ra ngày 27/6/1908, gọi là vụ Hà Thành đầu độc) thất bại, ông bị người Pháp truy lùng ráo riết. Ông phải tự sát vào năm 1908 để giữ vẹn danh tiết, không rơi vào tay giặc, đồng thời tránh hệ lụy cho gia đình và bạn bè.
“Người nước Nam ta biết Thái Sơn cao, Hoàng Hà sâu mà không rõ núi Tản mạch từ đâu đến, sông Cửu Long từ đâu chảy về. Lại biết Khổng Minh và Địch Nhân Kiệt mà không rõ Tô Hiến Thành và Trần Quốc Tuấn khí tiết oai phong như thế nào? Tuy nhiên gió có thổi ngược nhưng không gẫy được cột cờ. Sông nước có vỡ bờ nhưng xoáy mấy cũng không thể nghiêng trụ. Thực tế rồi cuối cùng cuốn “Toát yếu Việt sử” được soạn và lưu hành. Mọi người ai cũng xem, cũng đọc, thế là dân trí sẽ tăng, dân tài sẽ được mở rộng thêm nhiều đó. Vậy mong toàn quốc trẻ già hãy gắng học đi! Đó là điều các nho gia chúng tôi đang mong đợi” (lời tựa “Việt sử toát yếu” của Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ).