Vị Hoàng giáp có công bồi đắp nền học, khắc đá đề danh

Trần Hoà | 03/05/2023, 18:41
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Vị đại khoa Nguyễn Trù là người có công bồi đắp nền văn, đặt nền tảng cho loại hình sách tham khảo dành cho sĩ tử.

Là một vị đại khoa, sau lại lĩnh trách nhiệm Tế tửu Quốc Tử Giám, Nguyễn Trù là người có công bồi đắp nền văn, đặt nền tảng cho loại hình sách tham khảo dành cho sĩ tử.

Nguyễn Trù sinh năm 1668, người phường Đông Tác, huyện Thọ Xương thuộc kinh thành Thăng Long (nay thuộc phường Trung Tự, Đống Đa - Hà Nội). Nguyễn Trù là hậu duệ của dòng họ Nguyễn Đông Tác nổi tiếng trong lịch sử Thăng Long.

Dòng họ danh tiếng Thăng Long

Hoàng giáp Nguyễn Trù bồi đắp nền học, khắc đá đề danh ảnh 1
Văn bia hình hộp 'Đông Tác phường Trung Tự thôn địa giới kiệt' do Hoàng giáp Nguyễn Trù soạn.

Theo cuốn “Thọ Xương Đông Tác Nguyễn thị Thế phả”, soạn năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) thì dòng họ Nguyễn Đông Tác có nguồn gốc từ Gia Miêu ngoại trang, Thanh Hóa. Cụ sơ tổ của dòng họ là Nguyễn Chính Thiện. Con trai của tổ là Nguyễn Lương Phúc, giữ chức Quang Tiến Phụ quốc Thượng tướng quân.

Đến đời thứ 7, dòng họ Nguyễn Đông Tác có ông Nguyễn Hy Quang đỗ Giải nguyên kỳ thi Hương khoa Đinh Dậu (1657), vào thi Hội trúng Tam trường, lại đỗ khoa Sĩ vọng (1670), được bổ chức Giáo thụ phủ Thường Tín. Chúa Trịnh Tạc biết tiếng ông, bèn triệu vào phủ làm thầy dạy Trịnh Vĩnh và Trịnh Bính.

Nguyễn Trù chính là cháu của Nguyễn Hy Quang. Năm 1697, Nguyễn Trù ứng thi khoa Đinh Sửu và đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp). Cùng với Nguyễn Quyền, ông là một trong số hai người đỗ đầu kỳ thi Đình (nhị giáp).

Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi này ghi rằng: “Mùa Đông năm Đinh Sửu niên hiệu Chính Hòa thứ 18, bủa lưới cầu hiền, mở trường thi tài kén kẻ sĩ. Bấy giờ các cống sĩ các nơi dồn về như mây hợp, số ứng thí tới 3.000 người. Qua trường bốn, chọn được hạng ưu tú 10 người.

Tháng Chạp vào thi Đình, Hoàng thượng đích thân ra bài hỏi về môn học tâm tính của con người. Hôm sau, quan Độc quyển nâng quyển lên đọc, Hoàng thượng xem xét, định thứ tự cao thấp. Ban cho bọn Nguyễn Quyền, Nguyễn Trù đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Phạm Quang Huân 8 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân…”.

Cuối bài ký còn ghi: “Kẻ sĩ may mắn sinh ra ở đời này, mừng gặp thời sáng, đội ơn tiên triều vẻ vang cất nhắc ngợi khen, nay lại được biểu dương nồng hậu, vậy phải nghĩ đền đáp thế nào? Ắt phải nguyện làm sao cho danh xứng với thực, nghĩ việc trước lo đến việc sau, giữ lòng trung ái, mài rèn đức hạnh liêm sỉ cho bản thân được như Cao, Tiết; vua mình được như Nghiêu, Thuấn. Nếu được như thế thì bia đá này, tên tuổi này càng lâu càng vẻ vang, càng xa càng nức tiếng vậy.

Còn nếu danh thực trái nhau, trước sau sai lệch, lo bon chen ganh ghét, theo thói dua nịnh, lòng chứa những chuyện tham lam nhũng nhiễu, ngậm miệng như bị đóng hàm, làm cho danh tiết bị nhơ bẩn, danh giáo bị ô nhục thì người đời sau tới xem, ắt sẽ chỉ vào tên mà khinh bỉ đức hạnh, công luận nghiêm buốt khó trốn, há chẳng xấu hổ lắm sao?

Thế thì bia đá này dựng lên thật có ý sâu sắc, sẽ làm cho rõ ràng xấu tốt, nêu cao sừng sững trước tai mắt mọi người, mài rèn danh tiết cho sĩ tử, bồi đắp nguyên khí của nước nhà, có quan hệ đến thế đạo, há phải nhỏ đâu!”.

Hoàng giáp Nguyễn Trù bồi đắp nền học, khắc đá đề danh ảnh 2
Gia phả dòng họ Nguyễn Đông Tác (bản sao chép năm 1932).

Bồi đắp nền học

Sau khi đỗ đại khoa, Nguyễn Trù được triều đình bổ dụng làm Đốc trấn Cao Bằng. Tại đây, ông nhận thấy việc phiên viễn có phần lơi lỏng nên đề xuất một số cải cách bằng việc cho phiên thần Thái Nguyên đem quân bản thổ luân chuyển đi thú.

Sách “Khâm định Việt sử Thông giám cương mục” ghi rằng, trước đây lính thổ ở Thái Nguyên hàng năm luân chuyển nhau đi thú thủ Cao Bằng nhưng đến năm Bảo Thái thứ 2 (1721), chúa Trịnh Cương cho rằng đất nước thừa hưởng thái bình đã lâu, cõi biên vô sự, quân lính ở tại (thổ trước) cũng đủ sức chống cự, bèn sai bỏ việc đồn thú... Chỉ trong vòng chưa đầy ba năm, tình hình nơi đây lại trở nên nóng bỏng. Theo lời đề xuất của Nguyễn Trù, việc này được nối lại, định lệ cứ mỗi năm một lần thay đổi.

Năm 1728, niên hiệu Bảo Thái thứ 9, Nguyễn Trù được triều đình bổ dụng giữ chức Hữu Thị lang bộ Hình, kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám. Ông đã đào tạo được nhiều học trò xuất sắc, như Tiến sĩ Nguyễn Công Thể - người từng giữ cương vị Tể tướng và Tế tửu Quốc Tử Giám. Ông được xem là một trong những “người thầy một đời, muôn đời”.

Năm Vĩnh Thịnh 9 (1713), ông đã chú thích và cho in cuốn “Sách học đề cương” của Chúc Nghiêu (Trung Quốc) gồm 10 quyển, 124 bài văn sách, đề tài lấy từ Kinh, Sử - bàn về tấm lòng vua, nhân đức, hiếu liêm, nho thuật hình pháp. Mục đích của sách này là để cho các sĩ tử tham khảo các đề tài và các cách làm bài luận khi thi Hội.

Trong lời bạt, Nguyễn Trù viết: “Sách này của Chúc Nghiêu tiên sinh là chính tông của môn sách học, lưu hành khắp nơi đã lâu năm. Hiềm vì sách thì có mà chú thích còn thiếu, tôi không tự lượng kiến thức hẹp hòi, kính đem những điều được biết chép ra để cho người mới học được tiện tra cứu”.

Các chú thích của Nguyễn Trù không tách ra phần riêng mà bám sát nguyên văn, gặp chữ khó, điển lạ thì chú giải bằng chữ nhỏ bên cạnh để giải thích. Những chú thích như vậy rất cần thiết để người đọc dễ lĩnh hội ý nghĩa và phương pháp của bài sách luận. Bàn về tác phẩm này, Phan Huy Chú đã đánh giá “chú thích rất kĩ lưỡng, xác đáng”.

Năm 1728, Nguyễn Trù cho hiệu đính và in lại tập sách “Quần hiền phú tập”, gồm 30 tác giả từ thế kỉ 14 - 18 như Trương Hán Siêu, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn. Đây là tập phú cổ nhất của nước ta còn giữ được cho đến ngày nay.

Tập phú không những có giá trị cho việc dạy học, mà còn là một bộ sưu tập giữ lại được những tác phẩm phú chữ Hán trong thời kỳ thịnh đạt của thể loại, mà nhà bác học Lê Quý Đôn đã khen là “khôi kỳ, hùng vĩ, lưu loát, đẹp đẽ”.

Danh sĩ thời Lê là Nguyễn Công Cơ cũng khen: “Bộ tuyển tập phú này nếu không có các bậc hiền xưa thì không có nghệ thuật thần diệu; nhưng các bậc hiền triết đó nếu không có ông Nguyễn (Nguyễn Trù) thì không để được văn phú cho đời sau”.

Ngoài ra, ông còn cho in sách “Truyền kỳ lục” - một tác phẩm thuộc thể loại hiếm quý của văn học Việt Nam. Nhận xét về Nguyễn Trù, sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” viết: “Trù là người học hỏi rộng rãi, thường sửa định, chú giải các sách học đề cương và Quần hiền phú... lưu hành ở đời”.

Di sản làng Trung Tự

Hoàng giáp Nguyễn Trù bồi đắp nền học, khắc đá đề danh ảnh 3
Cửa Ngưỡng Chỉ đình Trung Tự.

Nguyễn Trù cũng là người dựng văn bia “Đông Tác phường Trung Tự thôn địa giới kiệt” (Bia mốc giới thôn Trung Tự, phường Đông Tác) được hậu thế xem như một “cuốn sổ đỏ” bằng đá có một không hai ở Việt Nam. Hiện tấm văn bia này vẫn được bảo lưu và gìn giữ tại đình Trung Tự.

Để hiểu ngọn nguồn tấm văn bia này, theo người dân Trung Tự thì phải lần giở lịch sử vào thế kỷ 16, đất Đông Tác bị một số quan lại đương thời chiếm đoạt. Đến đời thứ 7, Nguyễn Hy Quang khi còn đang đi học cũng đã bày mưu kế cho dân làng tranh kiện đòi lại đất đai với các chức dịch.

Hoàng giáp Nguyễn Trù bồi đắp nền học, khắc đá đề danh ảnh 4
Tên Hoàng giáp Nguyễn Trù trên bia đề danh Tiến sĩ khoa thi năm 1697.

Trải qua 3, 4 lần xét xử, đến năm 1674 sau khoảng 80 năm phải “ở nhờ”, người dân Đông Tác - Trung Tự đã được trở về phục nghiệp trên mảnh đất cũ của tổ tiên. Trong năm này, Nguyễn Hy Quang bỏ tiền cùng dân làng Trung Tự sửa sang làng xóm. Biết đó là nơi nền đất yếu, Trịnh Bính cho quân dẫn theo đàn voi đến khu đất mà dậm nền nhà cho vững để trả ơn thầy.

Vào ngày 2 tháng 6 năm Quý Sửu, niên hiệu Long Đức thứ 2 (1733), văn bia này được soạn, trở thành một văn bản chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất của dân làng sau khi dân làng Trung Tự thắng kiện và đòi lại được đất đai bị chiếm dụng trong suốt 80 năm.

Trong lời mở đầu văn bia, Nguyễn Trù viết: “Ngày phục nghiệp của thôn ta, có một đạo “Khải của quan Phụng Sai”, lại thêm một đạo “Phán quyết của quan Cai Khám”.

Đây là những vật báu muôn đời, được cất giữ trong hòm quý đến nay vừa tròn 60 năm. Nay ta muốn truyền lại lâu dài, bèn cùng người làng tìm đá, chọn người để chép lại và khắc sâu, khiến cho trăm đời có bằng chứng, vạn năm không hư hỏng”.

Sau lời mở đầu, văn bia được khắc gồm có hai văn bản. Một là bài Khải soạn ngày 10 tháng 6 năm Quý Sửu, niên hiệu Dương Đức 2 (1673) của một viên quan phụng sai dâng lên chúa Trịnh trình bày ý kiến của viên quan này đề đạt lên chúa xin công nhận và trả lại cho dân thôn Trung Tự số ruộng đất đã bị chiếm đoạt.

Hai là một văn bản ra đời sau đó 4 năm, đề ngày 19/8, Đinh Tỵ, niên hiệu Vĩnh Trị 2 (1677), có tên là “Cai khám quan phó đoạn tích” (Quyết định của quan Cai Khám).

Nội dung là lời quan Cai Khám phán quyết về vụ kiện về tranh chấp đất đai giữa làng Trung Tự và làng láng giềng. Quan Khám phán quyết rằng: Sau khi thẩm tra và đối chiếu địa bạ, thấy làng láng giềng tố cao làng Trung Tự chiếm đất của mình là sai, vì các khu đất có từ lâu đã thuộc về làng Trung Tự. Làng láng giềng này phải nộp phạt 30 quan tiền về tội mạo chiếm.

Theo dân làng Trung Tự, “Đông Tác phường Trung Tự thôn địa giới kiệt” là một loại bia hộp vì có hình thù như một chiếc hộp, gồm hai phiến đá úp vào nhau. Cả hai phiến đều hình vuông kiểu triện vuông 76cm, tấm dưới dày 50cm, tấm trên 18cm. Hồ sơ xếp hạng di tích đình Trung Tự đánh giá: “Khối bia hộp duy nhất tìm thấy ở nội thành, một loại hình di vật độc đáo đặc biệt quý hiếm trong Di sản văn hóa nước nhà” (Quyết định 776/QĐ của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin ngày 23/6/1992).

Bài liên quan
Sĩ khí của vị Hoàng giáp làm thầy của 2 Tam nguyên nổi tiếng
Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến và Tam nguyên Vị Xuyên Trần Bích San đều là học trò của Hoàng giáp Phạm Văn Nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vị Hoàng giáp có công bồi đắp nền học, khắc đá đề danh