Tan buổi học, Yên Đổ ra vẻ không được vui, nói với Vị Xuyên: “Thầy cho tôi chỉ đỗ được Hương nguyên là cùng, thật thầy coi thường tôi quá!”. Vị Xuyên trả lời: “Không phải thế đâu, bình nhật tôi vẫn kém anh, ý thầy là muốn khuyên tôi cố gắng cho bằng anh đấy thôi”.
Các con Hoàng giáp Phạm Văn Nghị là Phạm Văn Giảng - thi Hội đỗ Phó bảng, các con thứ đều đỗ Cử nhân. Khi Phạm Văn Giảng được bổ làm tri huyện ở một nơi xa xôi nghèo nàn – Phạm Văn Nghị lấy làm mừng vì cho rằng “dân nghèo quan mới dễ liêm”.
Quả nhiên, khoa thi đó, cả hai người đều đỗ đầu thi Hương tại 2 trường thi Hà Nam và Nam Định. Nhưng vào thi Hội năm Ất Sửu (1865), Trần Bích San đậu đầu luôn cả thi Hội và thi Đình, còn Nguyễn Khuyến bị rớt, mãi đến khoa thi năm Tân Mùi (1871) mới đậu Đình nguyên.
Khi Yên Đổ về thăm thầy, Hoàng giáp hội các môn sinh lại và giải thích cho biết văn thơ của Vị Xuyên hàm xúc nghiêm mật, còn của Yên Đổ thì tài hoa phóng khoáng, mỗi người một vẻ nhưng văn cử nghiệp cần nghiêm mật, vì thế mà Vị Xuyên đỗ sớm hơn Yên Đổ.
Ngoài 2 vị Tam nguyên, trong số học trò của ông có nhiều người đỗ đạt cao, trở thành những nhân sĩ yêu nước, làm nên sự nghiệp nổi tiếng như: Hoàng giáp Đỗ Huy Liêu, Phó bảng Đặng Ngọc Cầu, Phó bảng Lã Xuân Oai, Tiến sĩ Tống Duy Tân, Thủ khoa Nguyễn Cao, Đại thần Cơ mật viện Phạm Thận Duật...
Nhiều học trò của ông trở thành những lãnh tụ khởi nghĩa chống Pháp mà chí khí và sự nghiệp của họ còn lẫy lừng trong lịch sử. Nhiều học trò được Hoàng giáp Phạm Văn Nghị nuôi dạy trong nhà như con đẻ như Phạm Thận Duật, Tống Duy Tân…
Bởi vậy khi qua đời, câu đối của học trò Tống Duy Tân viếng thầy đã thể hiện tình nghĩa của trò đối với một người thầy tận tụy: Tiên sinh lo việc trước người đời, thân thế nổi chìm ôi mấy độ/ Đệ tử coi thầy như thân phụ, mất còn chung thủy mãi trăm năm.
Đền Độc Bộ nơi ngã ba sông Đào và sông Đáy - nơi Phạm Văn Nghị chặn đánh quân Pháp. |
Tháng năm Tự Đức thứ 11 (1858), Pháp nổ súng đánh phá Sơn Trà (Đà Nẵng). Dù đang có bệnh, Hoàng giáp Phạm Văn Nghị vẫn quyết tạm giao công việc cho bạn đồng khoa là Tiến sĩ Doãn Khuê. Ông dâng lên vua “Trà Sơn kháng sớ” (Sớ kháng nghị việc Sơn Trà), rồi cùng học trò và một số sĩ phu Nam Định lập ngay một đội quân nghĩa dũng gồm 365 người rồi xin vua cho vào Đà Nẵng đánh Pháp.
Nhưng khi đội quân nghĩa dũng tới Huế, thì quân Pháp đã rút khỏi nơi đó để vào đánh Gia Định. Vua Tự Đức không chuẩn y sớ của ông xin tiếp tục được vào Nam đánh đuổi ngoại xâm, mà chỉ ban lời khen ngợi nên ông đành phải quay về.
Về tới đất Bắc, ông tiếp tục làm chức vụ cũ. Khi ấy, có nhóm thổ phỉ người Trung Quốc tràn sang quấy nhiễu ở vùng Đông Bắc, ông đem ngay số nghĩa dũng vừa chiêu mộ được, đến đóng đồn phòng giữ khi yên mới thôi. Triều đình thăng ông làm Hàn Lâm viện Thị giảng học sĩ, nhưng vì bệnh nên ông lại xin nghỉ.
Năm 1866, ông được sung chức Thương biện, đóng quân ở Hà Cát để trông coi vùng biển. Năm Tự Đức thứ 26 (1873), triều đình thăng ông làm Thị độc học sĩ, ban cho thẻ bài bằng vàng.
Mùa đông năm ấy, Pháp đem quân đánh chiếm Hà Nội, rồi đánh luôn Nam Định. Bấy giờ tuy đã 68 tuổi, Phạm Văn Nghị vẫn tổ chức dân binh chặn đánh quân Pháp ở ngã ba Độc Bộ. Do quân ít, chống không nổi, ông cho rút nghĩa quân về lập căn cứ ở Yên Hàn (Ý Yên).
Hiệp ước Giáp Tuất được ký vào ngày 15/3/1874 giao đứt toàn bộ Nam Kỳ cho Pháp. Phạm Văn Nghị buồn bực, viện cớ tuổi cao, xin về dưỡng lão dù vừa được sung làm Thương biện Nam Định.
Sau triều đình truy xét việc thất thủ thành Nam Định, Phạm Văn Nghị bị tước hết mọi chức tước, bổng lộc. Về ở ẩn, ông sống đạm bạc nơi động Hoa Lư (Ninh Bình) lấy hiệu là “Liên Hoa động chủ”.
Năm 1884, ông qua đời và được vua Tự Đức chuẩn cho khôi phục nguyên chức hàm cũ là Thị độc học sĩ.
Theo các nhà nghiên cứu, khối lượng tác phẩm của Phạm Văn Nghị hiện còn được bảo lưu đến nay khá nhiều với gần 600 bài, gồm nhiều thể loại. Riêng thơ khoảng 250 bài, được tập hợp trong “Tùng Viên văn tập”.
Khi ông qua đời, nhiều xã ở miền Nghĩa Hưng đã lập đền thờ Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị. Còn tại xã Nghĩa Lâm, dân lập đền thờ ngay lúc ông còn sống để tỏ lòng kính trọng và biết ơn.
Ngôi đền hiện nằm ở đầu làng Sĩ Lâm Đông - chính trên vùng đất trại Sĩ Lâm xưa. Phía bên trong còn vàng son câu đối: Nhất ấp quy mô giang hải đại/ Đa công ăn trạch đẩu sơn cao (Quy mô của một ấp lớn như sông biển/ Công ơn của các ông cao như núi như sao bắc đẩu).