Năm 1878, gặp tiết Ngũ tuần đại khánh của vua Tự Đức, dụ rằng: “Tư Giản vì văn học mà được dùng đến, không phải đã không lâu ngày và hiện nay ít người hơn được. Nay gặp lúc nước nhà luôn hàng năm có việc khánh tiết, cần đến từ chương. Vậy chuẩn cho khai phục Hàn lâm viện thị độc học sĩ sung quản Hàn lâm viện”.
Ông được triệu về Huế, trao chức Thị giảng học sĩ và ủy nhiệm phụ trách việc khánh tiết và khảo duyệt bộ “Việt sử cương mục”.
Sau biến cố tại Kinh thành Huế năm Ất Dậu (1885), vua Hàm Nghi cùng đoàn tùy tùng chạy ra Tân Sở (Quảng Trị), vua Đồng Khánh lên thay, Nguyễn Tư Giản được cử giữ chức Thị lang bộ Hộ, nhưng sau đó ông cáo ốm xin về nghỉ.
Bắc Kỳ Viện do chính Paul Bert làm Chủ tịch, ngoài một số người Pháp còn có trí thức An Nam, trong đó có Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản và Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến.
Mục đích của Viện là nghiên cứu tất cả những gì có thể về văn hóa vật thể và phi vật thể ở Bắc Kỳ, giữ gìn, bảo tồn chùa chiền, đền đài… giúp người dân hiểu biết về khoa học hiện đại và những tiến bộ của văn minh thế giới bằng cách cho dịch tư liệu từ tiếng Pháp sang tiếng Việt, thành lập thư viện tại Hà Nội…
Sau một thời gian, Nguyễn Tư Giản xin được từ quan về ẩn thân dạy học ở Phát Diệm (Ninh Bình) cho đến năm Canh Dần (1890) thì mất tại đây, thọ 67 tuổi.
Hội thảo về Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia vào đầu tháng 10/2022. |
Nguyễn Tư Giản để lại khá nhiều tác phẩm gồm nhiều thể loại. Những tác phẩm chính của ông như: Nguyễn Tuân Thúc thi tập, Sử lâm kỷ yếu, Thạch Nông thi tập, Thạch Nông toàn tập, Thạch Nông văn tập, Vân Điềm Du Lâm Nguyễn tộc hợp phả, Yên thiều thi văn tập, Yên thiều thi thảo, Yên thiều thi tập.
Ngoài ra, ông còn tham gia biên soạn: Liễu Đường biểu thảo, Như Thanh nhật ký, Thạch Nông tùng thoại tập, Trung ngoại quỳnh dao tập, Hà phòng tấu nghị, Việt sử thông giám cương mục.
Là vua nổi tiếng hay chữ như Tự Đức cũng phải công nhận: “Cứ kể tài học của viên ấy (chỉ Nguyễn Tư Giản), đời này ít có ai hơn”.
Cho đến nay, hầu hết các tác phẩm của Nguyễn Tư Giản vẫn bảo tồn, lưu giữ tại kho sách Hán Nôm - Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Tại hội thảo “Thân thế và sự nghiệp của Hoàng Giáp Nguyễn Tư Giản”, GS.TS Đinh Khắc Thuân cho biết, thơ của Nguyễn Tư Giản hoàn toàn được sáng tác bằng chữ Hán, chép rải rác ở nhiều tác phẩm khác nhau.
Hầu hết, tác phẩm của ông đều đã được sưu tập chép trong bộ “Thạch Nông toàn tập”, kí hiệu A.376/1-6 tại kho sách Hán Nôm - Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Bước đầu xác định được “Thạch Nông thi tập đệ nhị” 56 bài, “Thạch Nông thi tập đệ thất” 85 bài, “Thạch Nông thi tập đệ bát” 27 bài, Thạch Nông thi tập (Đông chinh tập) 18 bài, tổng cộng là 186 bài, cùng với tập thơ “Yên Thiều” sáng tác trong chuyến đi sứ - tổng cộng có khoảng 200 bài thơ chữ Hán.
“Ngoài ra, Nguyễn Tư Giản còn sáng tác tản văn như: Biểu, trướng, thiếp mừng, văn tế, câu đối… được hình thành văn tập của ông. Thực tế, số bài thơ này được dịch còn khá khiêm tốn, cần thiết dịch chú, nghiên cứu văn bản tác phẩm và công bố bộ Nguyễn Tư Giản toàn tập, góp phần tri ân tiền nhân”, GS.TS Đinh Khắc Thuân cho hay.
Trải qua hơn 40 năm làm quan trong triều, những điều ông nghĩ, những việc ông làm xuất phát từ lòng yêu nước, thương dân. Có trí thức rộng, ông dành tâm trí cho những vấn đề quốc kế dân sinh.
Nhờ có cơ hội đi sứ, ông đã ghi nhận những biến đổi quan trọng của nước người trong khi nước nhà vẫn còn trong tư tưởng Nho giáo hủ lậu. Các nhà trí thức có tư tưởng canh tân thời bấy giờ đều có dịp ra khỏi xứ mở rộng kiến thức như Phạm Phú Thứ, Bùi Viện, Nguyễn Trường Tộ…
Lòng yêu nước thương dân của ông bộc lộ rõ trong những bản điều trần, trong lời sớ thiết tha mong vua đừng nghị hòa với quân Pháp, Nguyễn Tư Giản đã sớm rời khỏi chốn quan trường để trở về quê sống trong sạch tuy nghèo nàn.
Các nhà nghiên cứu đánh giá Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản làm đến Tổng đốc Thượng thư, nhưng không có tài sản ở quê nhà. Ông có bản lĩnh vững vàng của một danh nho quân tử, và có tầm nhìn thức thời trong hoàn cảnh đương thời. Với những công lao ấy, tên của vị Hoàng giáp làm quan trải qua 7 đời vua nhà Nguyễn được chọn đặt cho đường phố ở Hà Nội, Huế và TPHCM.