Hoàng giáp Trần Hữu Thành làm quan hai triều được dân tôn thánh

Trần Hoà | 12/09/2022, 08:43
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Vị Hoàng giáp làm quan hai triều đại được lịch sử ghi công là Trần Hữu Thành - tổ ngoại của Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến.

Nghiên cứu của nhà thơ Nguyễn Thế Vinh cũng chỉ ra rằng, vào ngày 25/10/1592, tướng nhà Mạc là Mạc Ngọc Liễn và công chúa Mạc Ngọc Lâm tiễn Trần Hữu Thành về Nam Định. Sự việc này có thơ ghi lại dấu tích của sự kiện, Trần Hữu Thành cũng tạ lại tướng Ngọc Liễn câu thơ: Nam - Bắc đôi đường sao gặp lại/ “Minh công gìn giữ” đó lòng tôi.

Việc ở lại với nhà Mạc hay về nhà Lê cũng được ghi chép trong “Lý lịch Di tích Đền - Chùa Đào Lạng” rằng, một lần trên đường về kinh qua đền Phúc Tân xã Thọ Tung cầu đảo, Hoàng giáp Trần Hữu Thành được thần linh báo mộng, thần cho thơ: “Trời đông đã rạng lên rồi/ Sao còn chậm chạp đứng ngồi nơi nao”.

Khi phục vụ cho triều đình Lê trung hưng, ông được chúa Trịnh Tùng giao chức Chánh sứ Quảng khuyến Canh nông, để rồi được mệnh danh là nhà trị thủy có tài.

Về trị thủy sông Đào và sông Ninh Cơ, nhà nghiên cứu Dương Văn Vượng miêu tả khá chi tiết về sự thành công của ông qua câu thơ do quan nhà Lê là Đặng Phi Hiển viết: “Ông Trần đào đất cửa hai sông/ Cho chảy về Nam cũng dễ thông/ Vạn khoảnh lúa ngô đều đẹp mắt/ Ngàn làng già trẻ được no lòng”.

Cuối đời, Hoàng giáp Trần Hữu Thành ẩn cư ở vùng biển Nghĩa Hưng. Tại nơi khẩn hoang, ông khuyên dân đắp đê, trồng cói, dệt chiếu... lập nên 9 xã ở vùng Hải Lãng Trang xuống tới đất Liễu Đề. Đó là một vùng Đông - Tây dài hàng chục dặm được ông biên chế ra thành làng xóm, thiết lập chế độ tự quản, trở thành vùng dân cư trù phú làm phên giậu phía Đông của triều đình.

Đức độ và công lao của quan Chánh sứ Quảng khuyến Canh nông được lan tỏa ra cả một vùng. Lúc ấy, Bùi Vũ Quân đang trấn thủ ở cửa Thần Phù (Nga Sơn - Thanh Hóa ngày nay) ngưỡng mộ nên có thơ gửi tới lỵ sở Phù Sa mừng Hoàng giáp Trần Hữu Thành ở tuổi 70: Nhớ người khai thác lưu công đức/ Ơn vị tổ thần dạy xã dân/ Trần chủ xóm thôn còn nhớ việc/ Lê triều đền miếu có thơ ngâm/ Đại An một chốn ai hơn được/ Cúi dưới thềm lan mãi cảnh xuân.

Ngay khi ông còn sống, dân địa phương đã lập sinh từ để thờ như một cách ghi nhớ công lao: “Đời thấy bao người tu được thế/ Làng tôn thờ sống đội ơn thừa”. Khi ông mất, dân tôn làm phúc thần, nhiều nơi lập đền thờ để nhớ vị điền chủ.

Tổ ngoại nhà thơ Nguyễn Khuyến

Vị Hoàng giáp làm quan 'hai nhà', được dân tôn thánh ảnh 3
Nguyễn Khuyến là hậu duệ họ ngoại của Hoàng giáp Trần Hữu Thành (cổng đền thờ nhà thơ Nguyễn Khuyến).

Các nguồn sử liệu chứng minh, Hoàng giáp Trần Hữu Thành chính là tổ ngoại của Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến. Nhà thơ Nguyễn Khuyến (1835 - 1909) quê xã Trung Lương (Bình Lục - Hà Nam), nhưng sinh ra ở quê ngoại làng Ngòi, đất Văn Khê (nay thuộc xã Yên Trung, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). Đến 8 tuổi mới theo cha về quê nội làng Và.

Họ Trần sinh cơ lập nghiệp ở trấn Sơn Nam đã gần 500 năm, thì vào đời thứ tư - danh tiếng cử nhân Trần Hữu Tập mở trường dạy học đã thu hút được nhiều môn sinh gần xa. Ngày ấy, anh khóa Nguyễn Tông Khởi từ làng Và đất đồng chiêm Bình Lục, lặn lội sang Ý Yên theo học cửa thầy.

Anh khóa được thầy gả con gái là Trần Thị Thoan (sinh năm 1799). Đôi vợ chồng trẻ nương nhờ bên ngoại, con rể được nhạc phụ truyền thụ kiến thức, song trải qua ba kỳ thi Hương mà chỉ đỗ tú tài gọi là ông mền Liễn, sau làm nghề dạy học. Năm Ất Mùi (1835), vợ chồng trẻ sinh con trai, cả nhà ai cũng mừng, ông ngoại đặt tên cháu là Nguyễn Thắng.

Tuổi thơ Nguyễn Thắng được ông bà bên ngoại bảo ban theo đòi nghiên bút. Từ nhỏ đã bộc lộ năng khiếu văn chương. Đến khi lên 8 tuổi (1843), Nguyễn Thắng theo cha mẹ về bên quê nội làng Và (Bình Lục). Chẳng bao lâu người cha qua đời, gia cảnh bần hàn, người mẹ thắt lưng buộc bụng nuôi con ăn học, khuyên con gắng công đèn sách, lại mấy khoa thi chưa đỗ.

Năm 2020, Hội thảo khoa học danh nhân văn hóa Hoàng giáp Trần Hữu Thành được tổ chức đã thu hút giới sử học cùng bàn luận. Thời gian này, các nhà nghiên cứu cũng sưu tầm được hơn 100 bài thơ - là những sáng tác của Hoàng giáp Trần Hữu Thành và những đối đáp cùng các vị khoa bảng đương thời.

Nguyễn Thắng đổi tên là Nguyễn Khuyến để tỏ rõ quyết chí ý chí học hành tiến thân. Năm Tân Mùi (1871) Nguyễn Khuyến vào kinh đô Huế thi đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ (Hoàng giáp). Do đỗ đầu cả ba kỳ thi, nên được người đời xưng tụng là Tam nguyên Yên Đổ - trở thành nhà thơ nổi tiếng nhất đương thời.

Theo các thư tịch Hán - Nôm, tổ họ Trần về đất Đào Lãng ban đầu là Trần Dĩ Hòa, Trần Dĩ Hiếu. Được khoảng 5, 6 đời mới đến các cụ Trần Hữu Học, Trần Hữu Tập, Trần Hữu Thứ, Trần Hữu Đạo. Hoàng giáp Trần Hữu Thành là con thứ ba của cụ Trần Hữu Học.

Giới nghiên cứu cho rằng, họ ngoại không chỉ “hướng nghiệp” cho cậu bé Nguyễn khi còn nhỏ, mà còn có ảnh hưởng rất lớn đến việc học hành, thi cử sau này. Nhắc đến Nguyễn Khuyến, người đương thời không thể không nhắc đến bên nội - liệt tổ Quang Lượng Hầu, Đại tướng nhà Mạc và cụ nội - tiến sĩ Nguyễn Tông Mại. Và cũng không thể không nhắc đến bên ngoại – Hoàng giáp Trần Hữu Thành.

Bài liên quan
Bảng nhãn Việt Nam (Kỳ 7): Theo vua tiết nghĩa, Nguyễn Mẫn Đốc lưu danh muôn thuở
Đỗ Bảng nhãn, không sợ chết mà ra sức phù Lê diệt Mạc – Nguyễn Mẫn Đốc đã lưu danh muôn thuở bởi tấm gương tiết nghĩa.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hoàng giáp Trần Hữu Thành làm quan hai triều được dân tôn thánh