Vì phương lược trị thủy Nhị hà, đang làm Thị lang bộ Lại, ông được cử làm Hiệp chính Biện lý đê chính sự vụ để lo việc trị thủy ở Bắc Kỳ. Mặc dù, ông và các cộng sự có nhiều cố gắng, nhưng các năm sau vẫn có chỗ vỡ đê, khiến nhà vua không hài lòng, cho giáng chức ông và Nguyễn Văn Vỹ vào tháng Giêng năm Tân Dậu (1861), rồi cho giải tán Nha đê chính vào mùa xuân năm sau (1862).
Sau này, các đánh giá lịch sử về những đề nghị trị thủy của Nguyễn Tư Giản phù hợp với sự hiểu biết theo Nho học thời bấy giờ. Tuy thiếu phần kỹ thuật khoa học nhưng là kết quả của những nhận xét tinh tế của ông theo hoàn cảnh lúc đó.
Nhân lúc này ở Bắc Ninh, Hải Dương đang có cuộc nổi dậy do Tạ Văn Phụng mạo xưng là dòng dõi vua Lê Lợi - đổi họ tên là Lê Duy Minh nêu chiêu bài “phục Lê, diệt Nguyễn” gây biến loạn – mà tục gọi là nạn giặc biển.
Giặc biển thường gọi là giặc Tàu Ô do gian thương, dân lưu vong nhà Thanh có hàng trăm thuyền chiếm đóng huyện Nghiêu Phong, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Yên và huyện Kinh Môn tỉnh Hải Dương. Tại đây, chúng thường xuyên kéo quân đi cướp của giết dân, rất thảm khốc.
Nguyễn Tư Giản được bổ làm Tham biện quân vụ Hải - Yên (Hải Dương – Quảng Yên), dưới quyền chỉ huy của Tổng thống quân vụ Trương Quốc Dụng để giúp việc đánh dẹp, đây là việc làm rất khó khăn mới lạ đối với ông. Các trận đánh lớn ở Cát Bà, Chàng Sơn, Cành Động, U Lang, Trực Cát, Đồ Sơn… giặc có hàng trăm thuyền lớn, hàng ngàn tay súng.
Quân triều đình cần phải có nhiều lương, nhiều thuyền, nhiều súng mới có thể dẹp nổi giặc. Nguyễn Tư Giản khó lòng xoay xở, vì lúc này vua điều ông vừa phải lo việc quân nhu, lại vừa bắt ông kiêm nhiệm lo cả việc đê điều - với lý do chưa có người thay thế.
Bởi vậy, khi huyện Cẩm Giàng thuộc tỉnh thành Hải Dương bị quân nổi dậy kéo tới uy hiếp, Nguyễn Tư Giản bị đình thần hạch tội là bất lực và nhà vua đã chấp thuận cho bãi chức ông.
Hội thảo về Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản đầu tháng 10/2022 tại Hà Nội. |
Tháng 6 năm Giáp Tý (1864), Tổng thống quân vụ Trương Quốc Dụng bị tử trận, nhà vua liền điều Tuần phủ Đỗ Quang và Nguyễn Hữu Thường, rồi lại phái thêm Thống tướng Nguyễn Tri Phương, Đốc binh Ông Ích Khiêm cùng Tán lý quân vụ Phạm Chi Hương hội quân đi đánh. Mãi đến mùa thu năm Ất Sửu (1865), sáu viên chỉ huy của đối phương, trong số đó Tạ Văn Phụng mới bị bắt.
Sau khi bị bãi chức, Nguyễn Tư Giản về dạy học ở làng Đôn Thư (Thanh Oai - Hà Tây) trong khoảng một năm. Sau đó chuyển ra Hà Nội dạy ở phố Hàng Bồ thêm khoảng hai năm nữa, thì được lệnh gọi vào Huế làm Tu soạn ở Viện Hàn lâm, rồi Thị độc học sĩ ở lầu Kinh Diên.
Năm Đinh Mão (1867), Nguyễn Tư Giản được thăng hàm Hồng lô tự khanh. Tháng 6 năm Mậu Thìn (1868), ông được vua chọn đi sứ sang nhà Thanh. Sứ đoàn do Lê Tuấn làm Chánh sứ, ông và Hoàng Tịnh làm Phó sứ.
Sang Trung Quốc, Nguyễn Tư Giản học hỏi được nhiều điều nên khi về nước, ông cùng với Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Đức Hậu, Bùi Viện dâng sớ lên vua Tự Đức đề nghị một chương trình canh tân tự cường, như cho mở rộng bang giao với các nước phương Tây, cử học sinh ra nước ngoài để học kỹ nghệ mới lạ... Tuy nhiên, những điều ấy không được vua nghe theo, nhưng các kiến nghị canh tân ấy được người đương thời xem trọng, coi như một “tân đảng”.
Tiến tới kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản (1823 - 2023), đầu tháng 10/2022, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và dòng họ Nguyễn, làng Du Lâm (Đông Anh - Hà Nội) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Thân thế và sự nghiệp của Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản”.
Tại hội thảo, GS.TS Đinh Khắc Thuân - Viện Nghiên cứu Hán Nôm - cho biết, Nguyễn Tư Giản bước vào sự nghiệp chính trị khi tình hình đất nước đang biến thiên phức tạp, thực dân Pháp xâm chiếm đất nước, nội bộ triều đình Tự Đức phân hóa, cuộc đời làm quan của ông nhiều thăng trầm, song ông vẫn giữ vững được bản lĩnh tốt đẹp.
Hội thảo góp phần làm rõ hơn thân thế, sự nghiệp của Nguyễn Tư Giản, trong đó xác định nguồn gốc họ Nguyễn gốc Lý tại Du Lâm - dòng dõi vương triều thời Lý và dòng tộc khoa bảng thời Lê Nguyễn. Đồng thời khẳng định những đóng góp của Nguyễn Tư Giản với vương triều Nguyễn và đất nước trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước, cũng như những đóng góp về văn chương Hán văn những năm cuối thế kỷ 19.