Ngoài mũ quan, doanh nghiệp hiến tặng còn đấu giá được chiếc áo Nhật Bình với giá khoảng trên 900 triệu đồng. Áo thuộc dạng thêu hoạ tiết bằng chỉ ngũ sắc, đề tài tứ thời “song loan hồi thọ”. Phần chân áo có thủy ba tam sơn và cá chép. Cổ áo thêu khá tinh xảo, gồm 5 con phụng cho thấy cấp bậc của chủ nhân chiếc áo ở tầm ngũ phẩm.
Hồi hương rồi cất kho
Hồi hương cổ vật, từ lâu đã trở thành một câu chuyện nan giải với nhiều ý kiến trái chiều không hồi kết. Người thì cho rằng cần thiết, ý kiến khác lại không đồng tình vì sẽ tốn rất nhiều ngân sách. Cùng với những nhiêu khê phức tạp về thủ tục pháp lý, nhiều người cho rằng đấu giá thành công chưa hẳn đã tốt, hồi hương cổ vật chưa hẳn đã hay.
Ông Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam từng cho rằng, thực tế bấy lâu cổ vật hồi hương chủ yếu phụ thuộc vào nỗ lực của các cá nhân, và cơ quan quản lý văn hóa nhà nước gần như ở ngoài cuộc.
Một trong những lý do khiến cơ quan nhà nước khó tiếp cận cổ vật để hồi hương. Đó là sự phụ thuộc mang tính nguyên tắc, từ kế hoạch, đánh giá, lựa chọn, báo cáo, tham khảo khung pháp lý, dự toán đến phê duyệt kinh phí. Trong khi đó, việc đấu giá không có thời gian chờ để các đơn vị liên quan thực hiện các bước trên.
Tác giả sách “Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn” , nhà nghiên cứu cổ vật Trần Đình Sơn cho rằng, cần hồi hương một quốc ấn hay nhiều đồ vật húy tiếu của hoàng triều bị ăn cắp giai đoạn chiến tranh. Còn chiếc mũ quan, điều cần biết nhất chính là chủ nhân của nó để có cách ứng xử.
Theo ông Sơn, chuyện giao dịch hiện vật văn hóa giữa Việt Nam với phương Tây diễn ra từ rất sớm, từ thời các chúa Nguyễn. Những người phương Tây hợp tác với triều đình, các sứ thần… được cấp phẩm phục và họ đem về nước.
“Chiếc mũ được xác định của một danh nhân lịch sử nào đó thì rất nên mua. Của các vị quan bình thường hay là tặng phẩm cho các vị sứ thần... thì cứ để trong các bộ sưu tập, trong các bảo tàng nước ngoài, nó vẫn là “made in Việt Nam”, vẫn đóng vai trò quảng bá văn hóa Việt Nam”, ông Sơn cho hay.
Cũng theo ông Sơn, vấn đề hồi hương cổ vật cần phải nhìn nhận lại. Nhà nước phải mua hết những cổ vật của Việt Nam ở nước ngoài, thì lấy đâu ra tiền? Chúng ta đang có nhiều cổ vật quý hiếm vẫn chưa trưng bày hết. Ở Huế, cổ vật triều Nguyễn có nhiều món vô cùng quý hiếm vẫn còn cất trong kho.
Hồi hương cổ vật rồi cất trong kho là chuyện có thật đang tồn tại ở chính xứ Huế. Hàng ngàn hiện vật quý vẫn đang nằm trong kho của Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế. Bảo tàng Mỹ thuật Huế đã được thành lập năm 2018, tranh tượng mua của họa sĩ chất đầy kho, không có chỗ trưng bày…
“Cổ vật Việt, trừ những gì được đánh giá rất cần phải tìm cách hồi hương. Số còn lại việc đấu giá, sưu tầm trên thế giới với giá càng cao càng mừng, nằm trong các bộ sưu tập càng nổi tiếng càng tốt. Vì đó là cách khiến cho giới sưu tập cổ vật thế giới biết đến văn hóa Việt Nam…”.
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn