Vị Hoàng giáp giữ vững bản lĩnh mặc lời khen chê

Trần Hoà | 28/10/2022, 17:29
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản không ở trong triều nhưng vẫn dâng sớ can vua chớ hoà với Pháp. Lời can của ông bị coi là xúc phạm đến ý tốt của phái chủ hoà.

Tháng 6 năm Mậu Thìn (1868), ông được vua cử đi sứ nhà Thanh. Sứ đoàn do Lê Tuấn làm Chánh sứ, ông và Hoàng Tịnh làm Phó sứ. Mọi biểu sớ giấy tờ quan hệ đều do ông thảo.

Qua chuyến đi sứ nhà Thanh, Nguyễn Tư Giản hiểu biết thêm về tình hình Trung Quốc, Nhật Bản và các nước. Ông thấy thanh niên Trung Quốc du học nhiều nước trên thế giới, ông cũng muốn nước ta quan hệ với châu Âu để cho người sang học kỹ nghệ mới lạ.

Trong chuyến đi sứ này, ông có gặp Chánh sứ đoàn Triều Tiên Kim Hữu Uyên, hai Phó sứ là Triệu Bỉnh Cảo, Nam Đình Thuận và hai bên có trao đổi thơ văn. Hai tác phẩm “Yên thiều thi thảo” và “Yên thiều thi tập” của Nguyễn Tư Giản có ghi chép khá cụ thể về cuộc tiếp xúc giữa hai đoàn sứ thần cùng hai bài thơ xướng họa.

Nhờ đi sứ, Nguyễn Tư Giản hiểu được thực trạng triều đình nhà Thanh đang trên đà suy thoái trầm trọng, không chống đỡ nổi các thế lực hùng mạnh phương Tây đang nhòm ngó bành trướng sang vùng Viễn Đông. Ông cũng thấy rõ ở nước mình vua Tự Đức và triều đình vẫn rập khuôn theo hình mẫu của triều đình nhà Thanh.

Từ đó, ông tận dụng sự tin cậy của vua Tự Đức, cố gắng thuyết phục vua Tự Đức đảm nhiệm trọng trách của vua như các vua thời Minh Trị ở Nhật Bản và vua Chulalongkom ở Xiêm La (Thái Lan) - hết lòng ủng hộ những kế sách canh tân đất nước mà Phạm Phú Thứ và Nguyễn Trường Tộ đã dâng lên vua, mặc dù không ít đại thần khác ngăn trở.

Ông cùng với Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Đức Hậu, Bùi Viện dâng sớ lên vua Tự Đức đề nghị một chương trình canh tân tự cường, mở rộng bang giao với các nước phương Tây, cử học sinh ra nước ngoài du học.

Giữ vững bản lĩnh, mặc lời khen chê ảnh 2
Hội thảo đánh giá Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản là một nhà canh tân – cùng với Nguyễn Trường Tộ, Bùi Viện.

Không quyên tiền cho Pháp

Trên đường đi sứ sang Yên Kinh (Bắc Kinh) năm 1868, Nguyễn Tư Giản có làm bài “Biện di thuyết” khá nổi tiếng. Theo lời ông kể, khi đoàn sứ bộ ta tới Quảng Tây, thấy trong hiệu sách đang bày bán tập “Việt Tây dư địa đồ thuyết”. Trong đó phàm những nơi đất Trung Hoa tiếp giáp với Việt Nam đều ghi là “giáp mỗ di châu, di huyện”. Do đó, ông viết bài “Biện di thuyết”.

Đi sứ về Nguyễn Tư Giản được thăngThượng thư bộ Lại, ông ra sức thuyết phục vua xóa bỏ định kiến gốc Công giáo của Nguyễn Trường Tộ, mà khẳng định bằng những dẫn chứng thực tế kế sách của Nguyễn Trường Tộ – Phạm Phú Thứ đã và đang thi hành đều làm cho dân giàu nước mạnh.

Tháng 7/1875, Nguyễn Tư Giản lại bị giáng chức phải ra làm Sơn phòng sứ ở Chương Mỹ coi việc khẩn hoang để chuộc tội (do vậy ông có thêm hiệu mới là Thạch Nông). Bởi trước đây ông đã cho một học trò tên Phan Văn Nhã vào làm thư lại, sau đó Nhã làm ấn và bảng Cửu phẩm giả.

Vì cả tin, Nguyễn Tư Giản và Tham tri Nguyễn Văn Thúy cùng Thị lang Nguyễn Mậu Đạo đều điềm nhiên ký tên và đóng dấu. Việc bị phát giác tâu lên, vua giao cho pháp ty chiếu luật định án.

Năm Mậu Dần (1878), nhân dịp lễ “Ngũ tuần đại khánh” của vua Tự Đức, ông được triệu về Huế trao chức Thị giảng học sĩ và ủy nhiệm phụ trách việc khánh tiết.

Sau biến cố tại Kinh thành Huế xảy ra vào đêm 22 năm Ất Dậu (1885), vua Hàm Nghi cùng đoàn tùy tùng chạy ra Tân Sở (Quảng Trị). Vua Đồng Khánh lên thay, Nguyễn Tư Giản được cử giữ chức Thị lang bộ Hộ, nhưng sau đó ông giả ốm xin về nghỉ.

Năm 1886, chiều theo ý Pháp, Kinh lược sứ Nguyễn Trọng Hợp cho mời một số danh sĩ ra làm việc. Từ chối mãi không được, Nguyễn Tư Giản phải ra làm Tổng đốc Ninh - Thái (Bắc Ninh - Thái Nguyên).

Giữ vững bản lĩnh, mặc lời khen chê ảnh 3
Nguyễn Tư Giản khước từ quyên tiền dựng tượng Toàn quyền Paul Bert (tượng Paul Bert nằm kề bên Tòa thị chính Hà Nội - ảnh tư liệu).

Tháng 3/1887, vua Đồng Khánh trích công quỹ một ngàn đồng Đông Dương để Chính phủ Pháp mua đồng đúc tượng Toàn quyền Paul Bert. Nhân đó, các quan trong Nha Kinh lược Bắc Kỳ là Nguyễn Hữu Độ và Nguyễn Chính cũng bày ra chuyện lạc quyên ở các tỉnh để góp thêm tiền mua đồng.

Thế nhưng, các quan chức ở tỉnh Ninh - Thái không quyên góp một đồng nào. Lập tức, Nha Kinh lược tâu lên vua xin cho tra vấn và đổi chức. Thuận theo yêu cầu, vua Đồng Khánh cho Nguyễn Xuân Duẩn đến thay, đồng thời triệu Nguyễn Tư Giản về Nha Kinh lược xét hỏi.

Bị tra vấn, Nguyễn Tư Giản biện giải rằng: Việc này, không do chỉ dụ nhà vua giao trách nhiệm cho cả ba kỳ. Chỉ riêng Nha Kinh lược Bắc Kỳ định ra, các Tổng đốc không được dự bàn thì không trách cứ được. Việc quyên góp là việc làm tự nguyện, pháp luật cũng không ràng buộc, các quan chức Ninh - Thái đang rất túng quẫn, không thể có tiền góp sang nước Pháp.

Bài 1: Vị Hoàng giáp làm quan trải 7 đời vua

Bài liên quan
Nguyễn Trung Ngạn - vị Hoàng giáp có "chí nuốt trâu"
Không chỉ là Hoàng giáp đầu tiên và trẻ nhất lịch sử khoa bảng, Nguyễn Trung Ngạn còn được xếp vào hàng “Người phò tá có công lao tài đức đời Trần”.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vị Hoàng giáp giữ vững bản lĩnh mặc lời khen chê